Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp 26 năm bỗng nhiên bị thu hồi
Theo trình bày của ông Trương Xuân Hồng và vợ là bà Lê Thị Lan, vợ chồng ông bà dành dụm mua thửa đất trên từ năm 1982 từ đồng lương góp nhặt của hai vợ chồng.
Đến năm 1993, ông được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 523/CN/UB ngày 07/5/1993 trong đó công nhận 400 m2 đất nhà ở nông thôn. Năm 1994, ông Hồng có sang nhượng cho ông Lưu Thông 270 m2 đất bằng giấy viết tay trong đó không thỏa thuận về diện tích đất ở.
Về phần ông Lưu Thông, sau khi nhận chuyển nhượng đất của ông Hồng, ông Thông đã tiến hành xây dựng tường rào riêng biệt đối với thửa đất của ông Trương Xuân Hồng.
Ngày 29/12/2006, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định số 148/2006/QĐ-UBND về việc ban hành “về hạn mức đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh”. Sau quyết định này của UBND tỉnh thì UBND huyện đã tiến hành cấp lại giấy CCNQSDĐ số 747418 cho vợ chồng ông Trương Xuân Hồng với tổng diện tích thửa đất là 968,8 m2 trong đó có 400 m2 đất ở nông thôn.
Năm 2018, UBND huyện Đắc Đoa tiếp tục cấp lại giấy CNQSDĐ mới mang số CN 197818, thửa đất số 33, tờ bản đồ số 31 cho vợ chồng ông Trương Xuân Hồng với tổng diện tích và hạn mức đất ở vẫn giữ nguyên.
Ngày 20/3/2020 UBND huyện Đắc Đoa ra công văn số 479/UBND-NC về việc “thu hồi, hủy bỏ giấy CNQSDĐ của ông Trương Xuân Hồng cư trú tại tổ dân phố 8, thị trấn Đắc Đoa, huyện Đắc Đoa, Tỉnh Gia Lai” do phó chủ tịch huyện Giang H’Dan ký. Trong đó lý do thu hồi “Giấy chứng nhận đất đã cấp (đã đổi) cấp sai diện tích đất ở”.
Đồng thời phòng TNMT và UBND huyện ra các công văn rút 150 m2 đất ở đã cấp từ năm 2007 của gia đình ông Trương Xuân Hồng và chuyển số đất ở đó sang cho gia đình ông Lưu Thông.
“Thu hồi hạn mức đất ở không có căn cứ”.
Bức xúc vì đất đang ở ổn định, đã đóng thuế đất ở từ năm 1994 đến nay bỗng nhiên bị thu hồi và giảm hạn mức đất ở. Ông Hồng cho rằng “Việc UBND huyện giảm hạn mức đất ở đối với gia đình tôi là không có căn cứ. Rất may là gia đình tôi còn giữ lại toàn bộ hóa đơn thu tiền đất ở từ năm 1994 tới nay”.
Trao đổi với phóng viên về nội dung này ông Lưu Văn Lân, phó trưởng phòng tài nguyên huyện Đắc Đoa cho biết “Việc thu hồi đất ở đối với gia đình ông Trương Xuân Hồng là căn cứ vào giấy tờ và thực tế thửa đất mà ông Hồng đã bán cho ông Lưu Thông vào năm 1994”.
Đồng thời trong báo cáo số 41/BC-TNMT ngày 01/6/2020 về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Trương Xuân Hồng do ông Lưu Văn Lân ký có báo cáo rằng, “Năm 1993, ông Trương Xuân Hồng được UBND huyện Mang Yang, nay là UBND huyên Đắc Đoa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở số 523/CN-UB thì toàn bộ diện tích 400 m2 đất ở nằm trong khuôn viên của ông Trương Xuân Hồng theo diện tích 16m x 25 m được khống chế bởi ranh giới tứ cận của lô đất, do đó phần diện tích 150 m2 nằm trong phần diện tích 270 m2 mà ông Trương Xuân Hồng đã chuyển nhượng cho ông Lưu Thông vào ngày 08/01/1994 theo giấy sang nhượng viết tay giữa ông Trương Xuân Hồng và ông Lưu Thông”.
Thửa đất mà gia đình ông Trương Xuân Hồng và ông Lưu Thông sử dụng ổn định từ năm 1994. |
Thế nhưng, trong tờ khai chuyển dịch tài sản nộp lệ phí trước bạ ngày 30/5/1994 giữa ông Trương Xuân Hồng và ông Lưu Thông tại chi cục Thuế Mang Yang (nay là huyện Đắc Đoa) trong phần chi tiết tài sản chuyển dịch có ghi rõ loại tài sản chuyển dịch là “đất vườn làm nhà ở”.
Trong phần kiểm tra và tính lệ phí của cơ quan thuế cũng ghi “Thực trạng tài sản là đất vườn đường Nguyễn Huệ”.
Khi phóng viên đặt vấn đề về những hóa đơn đất ở mà gia đình ông Hồng đã nộp từ năm 1994 đến nay thì ông Lân cho rằng “Số tiền và hóa đơn đã nộp không thể hiện được diện tích đất ở là bao nhiêu”.
Mặc dù ai cũng biết, số tiền người dân phải nộp khi được cơ quan thuế ban hành đều phải căn cứ vào diện tích đất ở trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cơ quan chức năng đã cấp cho người dân.
Đồng thời, theo quyết định số 148/2006/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của UBND tỉnh Gia Lai về việc ban hành “về hạn mức đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh” tại khoản 2, điều 3 có nêu rõ “Hộ gia đình cá nhân không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, điều 50 Luật đất đai nhưng đã sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 (ngày luật đất đai 2003 có hiệu lực thi hành) thì diện tích đất phải công nhận theo chứng từ nộp tiền sử dụng đất”
Mặt khác, ngay sau khi ông Trương Xuân Hồng chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Lưu Thông vào năm 1994. Mặc dù chưa tiến hành tách rời hai thửa đất trên nhưng ông Lưu Thông đã tiến hành xây dựng tường rào ổn định.
Năm 1994 ông Thông cũng đã nộp lệ phí trước bạ số 003298 quyển số AA/91/B với loại tài sản là đất vườn; nộp phí và lệ phí sang nhận đất vườn số 008684 quyển số 174. Theo khoản 3, điều 20, Luật đất đai số 45/2013/QH13 (sau gọi là Luật Đất Đai) có nêu rõ “Thửa đất có nhiều hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng chung thì hạn mức đất ở quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này được tính bằng tổng hạn mức đất ở của các hộ gia đình, cá nhân đó”.
Vậy căn cứ theo điều khoản trên thì việc cấp hạn mức đất ở đối với ông Lưu Thông hoàn toàn không liên quan đến hạn mức đất ở của gia đình ông Trương Xuân Hồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ông Trương Xuân Hồng nói “việc UBND huyện Đắc Đoa ra văn bản thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giảm hạn mức đất ở đối với hộ gia đình tôi để chuyển sang cho ông Lưu Thông đã đúng với Luật đất đai hay chưa. Việc UBND huyện ra một quyết định trái pháp luật này làm xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng nặng nề tới tinh thần của gia đình chúng tôi. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng cần làm việc công tâm để người dân vững tin ổn định cuộc sống”.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.