Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo sau khi các nước tạm ngưng xuất khẩu gạo.
Theo VFA, hoạt động xuất khẩu gạo từ ngày 1-15/8 đạt 456.768 tấn, trị giá 155 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 19% về số lượng nhưng trị giá tăng 30%. Tính đến ngày 18/8, vụ hè thu đã thu hoạch được sản lượng khoảng 5,495 triệu tấn lúa. Vụ thu đông đã gieo sạ 420.000ha/700.000ha diện tích theo kế hoạch, đã thu hoạch được 11.000 ha.
Vừa qua, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, tiếp đó là lệnh dừng xuất khẩu gạo của một số nước khác đã khiến nhu cầu đối với mặt hàng này trở nên khan hiếm, đẩy giá gạo thế giới tăng mạnh, tác động lớn đến thương mại gạo toàn cầu. Việt Nam đã tận dụng cơ hội khai thác thị trường, nâng cao hiệu quả cho nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp một số khó khăn.
Theo VFA, do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chờ giá tăng, khiến hợp đồng liên kết bị phá vỡ. Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.
“Hiện tại, có trên 200 thương nhân được Bộ Công thương cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng đa số thương nhân chưa thực hiện đúng chế độ báo cáo, đặc biệt là tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và hàng tồn kho ở từng thời điểm” - VFA cho hay.
VFA cho rằng, việc này ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, không kịp thời có số liệu báo cáo phục vụ cho công tác điều hành vĩ mô do thiếu dữ liệu thông tin. Mặt khác, vốn tín dụng hiện là vấn đề đang được thương nhân quan tâm nhất hiện nay khi hầu hết đều đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động. Trong khi đó, thị trường thương mại lúa gạo những năm gần đây nhiều biến động, hạn mức tín dụng thấp làm tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng, thiếu hẳn nguồn vốn mua lúa gạo dự trữ gối đầu làm giảm hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh.
Trước thực trạng trên, VFA kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định cụ thể về cơ chế báo cáo, phân công một cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và hàng hóa lúa gạo tồn kho của các thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, VFA đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa thương nhân xuất khẩu gạo, đặc biệt giữa thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP và thương nhân thuê kho theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
Về tài chính, tín dụng, VFA kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế hỗ trợ về vốn cho thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đảm bảo nguồn tồn kho dự trữ lưu thông.
Liên quan đến hoạt động sản xuất, VFA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế quản lý chặt chẽ với vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp để góp phần đảm bảo chất lượng lúa gạo đầu ra đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thương mại gạo thế giới, qua đó góp phần thực hiện được mục tiêu “nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo thu về 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bình quân xuất khẩu gạo đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới.
Đặc biệt, hơn 1 tháng trở lại đây, khi Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo, giá gạo đã tăng mạnh so với thời điểm trước, tác động lớn đến thị trường thương mại gạo thế giới. Giá mặt hàng này của Việt Nam cũng tăng vọt và liên tiếp phá đỉnh lịch sử. Gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD mỗi tấn so với thời điểm trước lệnh cấm này.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong phiên giao dịch hôm 31/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 643 USD/tấn, tăng 20,6% so với ngày 19/7. Còn so với ngày 1/1 năm nay, hiện giá gạo 5% tấm của nước ta đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%.
Giá gạo 25% tấm xuất khẩu cũng từ mức 438 USD/tấn (ngày 1/1) vọt lên mức 628 USD/tấn trong ngày 31/8, tức tăng 190 USD/tấn (tăng 43,4%).
So với các nước xuất khẩu gạo top đầu, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm giữ vị trí số 1 thế giới. Trong đó, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan lần lượt là 10 USD/tấn và 63 USD/tấn.
Với lượng gạo xuất khẩu 6 - 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Ở một số thời điểm, Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.
Hiện gạo Việt được xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, tính đến giữa tháng 8/2023, Philippines, Trung Quốc và Indonesia là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta với thị phần lần lượt 40,3%, 14% và 12,1%.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu