Theo hãng tin CNBC, lệnh cấm xuất khẩu lương thực gián đoạn nghiêm trọng từ một số nước như Ấn Độ (cấm xuất khẩu lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường) và Indonesia (dầu cọ) đã góp phần khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt.
Và gạo có thể là mặt hàng tăng giá tiếp theo. Chỉ số giá lương thực từ Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc trong tháng 5 vừa công bố cho thấy giá gạo thế giới đã tăng 5 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất 12 tháng.
Tuy các chuyên gia cho rằng, mặc dù sản lượng gạo vẫn tốt, nhưng do giá lúa mì và chi phí canh tác nói chung tăng cao nên giá gạo cần được theo dõi.
“Chúng ta cần theo dõi giá gạo trong thời gian tới, vì giá lúa mì tăng có thể dẫn tới việc dùng gạo để thay thế một phần, làm gia tăng nhu cầu gạo và gây giảm lượng dự trữ gạo hiện có”, chuyên gia kinh tế trưởng Sonal Varma của ngân hàng Nhật Bản Nomura phát biểu.
Hôm 6/6, hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng, các nhà giao dịch gạo đã tăng mua gạo Ấn Độ trong 2 tuần liên tiếp.
“Hiện tại, tôi cảm thấy lo lắng về khả năng Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trong vài tuần tới đây, sau khi họ đã cấm xuất khẩu lúa mì và đường”, nhà nghiên cứu cấp cao David Laborde thuộc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế nói với CNBC.
10 nước sản xuất nhiều gạo nhất thế giới. |
Theo ông Laborde, giá gạo càng tăng, khả năng có lệnh cấm xuất khẩu gạo càng lớn. “Chúng ta cần phân biệt giữa sự tăng giá giúp bù đắp cho chi phí gia tăng và mang lại lợi ích cho người nông dân (giúp họ tiếp tục sản xuất), và một lệnh cấm xuất khẩu đẩy giá tăng cao trên thị trường toàn cầu nhưng lại kéo tụt giá ở thị trường trong nước”, ông nói.
Ông Nafees Meah, đại diện khu vực Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, cũng cho rằng giá năng lượng, đang tăng trên toàn cầu, chiếm phần lớn trong chi phí sản xuất lúa gạo.
"Vì vậy, nếu thị trường tăng giá thì tại sao nông dân lại không được hưởng lợi từ sự tăng giá này". Ông Nafees nói với CNBC.