Thêm gắn kết gia đình
Chị Mai Trang (29 tuổi, sống tại TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, gia đình chị có một con gái năm nay gần 4 tuổi, vợ chồng đều ở quê lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Chị Trang mở một cửa hàng dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe tại quận Bình Thạnh. Vì giá thành thuê mặt bằng cao và có con nhỏ, vợ chồng chị tận dụng một phần diện tích thuê để làm chỗ ở.
Do ông bà đều ở xa, mọi công việc của nhà hay cửa hàng, hai vợ chồng chị phải tranh thủ tối đa quỹ thời gian. Hàng ngày, cả nhà dậy vào lúc 6 giờ sáng để kịp chồng chị đưa con đi học. Còn chị thì lo giặt giũ quần áo, dọn dẹp cửa hàng, đi chợ chuẩn bị sẵn đồ nấu ăn trưa cho nhân viên. Mọi thứ phải hoàn tất trước 8 giờ để cửa hàng bắt đầu hoạt động. Thường thì chị Trang làm việc thông trưa, do ngành dịch vụ khách đến giờ nào làm giờ đó, có khi 2 - 3 giờ chiều mới ăn trưa.
“Trước đây, khoảng 16 giờ, tôi tranh thủ đón con về, nhưng công việc bận rộn, nên con tôi tự chơi một mình trên phòng, đến chiều tối muộn, tôi mới tranh thủ nấu cơm. Chồng tôi cũng phải 19 giờ mới đi làm về. Ăn uống, dọn dẹp xong cũng đã 21 giờ, là lúc đi ngủ. Tính ra, cả ngày hai vợ chồng chỉ có thể ở bên cạnh con vài giờ đồng hồ. Gia đình không có ngày thứ 7, chủ nhật nghỉ ngơi cùng nhau, vì ngày nghỉ cửa hàng càng đông khách...”, chị Trang chia sẻ.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội, gia đình chị Trang đã có những trải nghiệm khó quên. Chồng chị được công ty cho nghỉ ở nhà, chị Trang thì đóng cửa hàng. Gia đình chị dành trọn 24 tiếng bên nhau, điều mà trước đây vợ chồng chị mong mỏi, nhưng không có được.
Thời gian này, ngôi nhà nhỏ của chị Trang lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Vợ chồng chị đã lên kế hoạch cho những ngày ở nhà. Đầu tiên là dọn dẹp và trang trí lại cửa hàng, phòng ở, tạo ra sự mới mẻ cho không gian sống. Sân thượng lâu nay bỏ trống với nhiều đồ lộn xộn, nay được thay bằng những thùng xốp trồng rau, chậu hoa...
Bên cạnh đó, cả gia đình đều được sinh hoạt cùng nhau như: Thức giấc, đánh răng, tập thể dục, chơi trò chơi, xem phim và học bài... Quan trọng nhất là cả 2 vợ chồng có thời gian ở bên con, nên tập cho con được nhiều thói quen sinh hoạt tốt như ăn ngủ đúng giờ, ăn đồ ăn nhiều dưỡng chất, hạn chế các đồ ăn vặt...
“Ngày ngày theo dõi thông tin trên báo chí, tôi cũng không khỏi những lúc lo lắng về dịch bệnh hay thu nhập của gia đình giảm sút. Nhưng đối với tôi, khoảng thời gian này là những giây phút quý báu. Đây cũng là quãng thời gian để gia đình có thể nhìn nhận lại mọi thứ, sống chậm lại và cân bằng mọi thứ thay vì chỉ lo cơm, áo, gạo tiền, mà đánh mất những điều nhỏ nhặt chứa đầy hạnh phúc thường ngày, mà không ai để ý tới”, chị Trang chia sẻ.
Bữa cơm thêm ấm áp
Chị Thùy Dung (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ khi bùng phát dịch Covid-19, thói quen sinh hoạt của gia đình chị thay đổi khá nhiều. Trước đây, do bận công việc nên chỉ có buổi tối cả nhà mới ăn cơm cùng nhau, bữa sáng thường ăn qua loa. Hiện tại, do có nhiều thời gian ở nhà hơn, chị tự đặt ra thử thách “365 bữa sáng ngon” cho bản thân, mỗi sáng là một món khác nhau.
“Tôi thường hỏi ý kiến chồng và các con muốn ăn sáng món gì từ hôm trước, rồi chuẩn bị nguyên liệu sẵn. Đa phần đều là các món truyền thống như phở gà, phở bò, bún riêu... Thực sự có những món chưa làm bao giờ, nhưng nghĩ đến niềm vui của chồng con mỗi khi thưởng thức món ăn, tôi lại có thêm động lực lên mạng tìm hiểu công thức và tập làm”, chị Dung chia sẻ.
Nhiều bà nội trợ tâm sự, do tác động của dịch Covid-19, bữa cơm gia đình cũng có sự thay đổi. Trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, các chị em tích cực đăng tải hình ảnh những bữa cơm nhà.
Từ khi các con nghỉ học đến nay, cũng là khoảng thời gian chị Thanh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tích cực mày mò tìm cách nấu các món ngon. Mỗi ngày chị đều lên thực đơn các món sao cho đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà nhưng không quá nhàm chán. Hôm thì chị làm món gà rán kiểu KFC, khi thì ngan cháy tỏi...
Thời gian này, chồng chị được cơ quan cho làm việc tại nhà, nên cả nhà cùng nhau ăn 3 bữa mỗi ngày - điều mà trước đây hiếm khi có được. Có thời gian, chồng chị cũng phụ giúp những công việc bếp núc thường ngày.
“Chồng phụ giúp nấu nướng, rồi ở nhà, chứng kiến mỗi ngày vợ vất vả như thế nào nên đã đầu tư mua đủ các loại máy hỗ trợ việc nấu nướng như máy vắt cam, nồi hấp, nồi chiên không dầu... để mình thỏa thích chế biến các món mà không quá vất vả”, chị Thanh chia sẻ.
Đối với chị Hoàng Quyên (Bắc Từ Liêm), dịch Covid-19 làm cho cuộc sống của chị có “điểm dừng nghỉ” hơn so với trước kia. Hiện giờ chị có nhiều thời gian dành cho con cái, chơi với con nhiều hơn. “Với mình, đây là khoảng thời gian cực kỳ quý báu, khi gia đình được bên nhau nhiều.
Hơn nữa, được khám phá bản thân hơn bao giờ hết. Bao nhiêu công thức món ngon sưu tập được, dịp này là cơ hội cho mình trổ tài, mỗi bữa đều được ăn một món mới và được trang trí cầu kỳ. Cả nhà thưởng thức món ăn mới, trong tiếng nhạc không lời và không khí đầm ấm là những điều mà trước kia dường như là xa xỉ với gia đình mình. Đây cũng là thời gian mình được yêu bản thân hơn khi dành nhiều thời gian tập luyện những bản nhạc piano đã yêu thích từ lâu”, chị Hoàng Quyên cho biết.
Chia sẻ một bức hình chụp bữa cơm gia đình mình với những món ăn giản dị gồm rau muống luộc, cà muối, thịt rang cháy cạnh, anh Ngọc Hiện (Hoàng Mai) cho biết, lâu nay anh quen với các bữa nhậu, thịt cá ê hề nhưng chẳng thấy ngon, một tuần chỉ được vài bữa ăn tối cùng gia đình. Nhưng bây giờ có thời gian thư thái ăn những bữa cơm ngon vợ nấu, nhâm nhi thưởng thức lon bia thì mới thấy quý báu những giây phút hạnh phúc bình dị.
Khi cả nước đang gồng mình chống dịch, những y, bác sĩ ngày đêm chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh thì việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị của Thủ tướng, ai ở đâu ở yên nấy là điều rất cần thiết. Đây đồng thời cũng là cơ hội để mỗi người có thêm thời gian ở bên gia đình nhiều hơn, bữa cơm gia đình cũng trở nên ấm áp hơn bao giờ hết. Điều này đã làm thay đổi không ít những thói quen ăn uống của nhiều người theo hướng tích cực và chắc chắn, khi dịch bệnh qua đi thì mỗi người cũng sẽ tự ý thức được ý nghĩa của những bữa cơm gia đình. Mỗi người sẽ tự sắp xếp, cân bằng cuộc sống, công việc để dành những khoảng thời gian gắn bó bên nhau.