1. Nghĩ đến người vợ, gợi nhớ đến hình ảnh bến nước, con đò, từ lâu đã đi vào tiềm thức những người cùng thế hệ chúng tôi. Cái bến nước đợi chờ dung dị, thân thương ấy luôn là nỗi niềm trăn trở, thao thức, da diết nhớ nhung trong mỗi lần hành quân lên đường làm nhiệm vụ.
Những năm 80 của thế kỷ trước rất nhiều những người lính đã hành quân ra Trường Sa làm nhiệm vụ, để lại quê nhà những người vợ ngày đêm mong ngóng.
Nữ sinh đại học Duy Tân chia tay lính trẻ ra Trường Sa làm nhiệm vụ. |
Với chúng tôi, ngày ấy không thể kể hết được những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn; tuy nhiên, chưa thấm gì so với sự chịu đựng, hy sinh thầm lặng của người vợ ở quê nhà. Ngày ấy, những khi nhớ nhà, nhớ vợ con, chúng tôi thường thì ngồi viết nhật ký và viết thư cho vợ. Thư viết thì nhiều nhưng phải đợi tàu ra đảo, mấy tháng sau thư mới đến tay người đọc. Mỗi lá thư ngoài việc thăm hỏi, dặn dò chuyện gia đình, nuôi dạy con cái, phần còn lại là một khoảng trời riêng tư đong đầy thương nhớ diết da.
Tôi cưới vợ năm năm 20 tuổi, sau đợt huấn luyện tân binh, do có thành tích bắn đạn thật đạt loại giỏi, tôi được cấp trên thưởng phép 10 ngày. Về tới nhà, tôi được bố mẹ chỉ thị: Lấy vợ. Nhờ được họ hàng vun vào, sẵn tài ăn nói, cùng với dáng vẻ rắn rỏi hoạt bát, tôi đã tán đổ cô hoa khôi của làng. Thực ra, chúng tôi đã biết nhau từ trước, đã thầm yêu trộm nhớ, chỉ chưa cầm tay nói chuyện. Ngày còn đi học, mỗi chiều tôi hay đứng ngẩn ra như người mất hồn nhìn theo cái dáng lưng ong quảy đôi thùng gánh nước đi ra cái bến tắm con gái đầu làng…
Thế là đám cưới đã diễn ra rất nhanh, ồn ào vui vẻ, ở làng quê đồng bằng chiêm trũng nghèo. Cưới xong, 3 ngày sau tôi khoác ba lô về đơn vị. Bước chân đi lòng rưng rưng. Thương bố mẹ, năm đứa em và người vợ bé nhỏ mới vừa quen hơi bén tiếng.
Gặp gỡ ở đảo Trường Sa Đông - Tình yêu và nỗi nhớ. |
Về đến đơn vị, chúng tôi được lệnh hành quân vào Nam, xuống tàu ra đảo làm nhiệm vụ. Những năm cuối thập niên 80, tình hình Trường Sa rất căng thẳng, khó khăn thiếu thốn thì không thể nào kể hết. Nhưng nỗi canh cánh trong lòng là gia đình và vợ con ở quê hương. Nhưng năm ấy, cả nước đâu cũng khó khăn. Vợ tôi mới 18 tuổi đã phải tần tảo lo gánh vác gia đình; suốt ngày làm lụng đồng áng để lo đủ 8 miệng ăn. Rồi vợ tôi sinh con, hai năm sinh một cháu, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai gầy. Phần tôi cứ đi biền biệt, được dịp tranh thủ về phép, dành dụm mấy cân đường hộp sữa và chút đồng lương, phụ cấp ít ỏi đưa về cho vợ. Tranh thủ dựng lại hàng rào đổ, lợp lại mái nhà, tâm sự mấy ngày với vợ con rồi lại vội vã ra đi.
Mười năm ở đảo, thời gian gần vợ con tính bằng ngày, thời gian một năm tính bằng doi cát xoay vần một vòng quanh đảo. Hàng trăm bức thư chúng tôi viết cho nhau xếp đầy góc ba lô. Những bức thư của em luôn tràn đầy yêu thương và lạc quan. Em luôn động viên tôi phải cố gắng phấn đấu công tác cho bằng anh em đồng đội, còn những khó khăn vất vả ở nhà thì không hề nhắc đến. Ngày ấy, những bức thư như một nguồn năng lượng mạnh mẽ để chúng tôi sống và phấn đấu.
Ra thăm chồng ở đảo Trường Sa Lớn. |
2. Bố mẹ tôi thì khỏi phải nói, luôn chờ đợi, khắc khoải mong ngóng thư con. Có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Ngày ấy, đứa con đầu của tôi mới vào lớp 1, cháu đang tập đánh vần. Một hôm cháu khoe với ông bà bức thư tôi gửi cho vợ. Cháu cặm cụi cả buổi sáng đọc cho ông bà nghe. Vợ tôi đi làm về đến đầu ngõ nghe tiếng con không nỡ vào nhà sợ làm mất đi cái hạnh phúc của cha mẹ. Em đứng bên hàng rào mà nước mắt lặng lẽ rơi. Tình yêu của người lính thời chúng tôi là thế đấy, cứ lớn dần lên, giản đơn mà gắn bó không rời.
Và, cũng như tôi, đã có hàng trăm câu chuyện cảm động về người vợ lính đóng quân ở Trường Sa. Họ lặng thầm nuôi lớn tình yêu, tự nguyện hy sinh thời tuổi trẻ cho chồng, cho con. Dù ở thời chiến hay thời bình, những người vợ lính vẫn luôn nhận về mình sự thiệt thòi. Ba mươi năm đã đi qua, cuộc sống hôm nay khác trước rất nhiều. Đời sống của gia đình những người lính đã vơi bớt khó khăn. Đứng trên bán đảo Cam Ranh, nhìn khu đô thị hiện đại dành cho những gia đình lính biển, lòng thấy ấm. Không còn cái cảnh chồng Nam vợ Bắc, chạy vạy lo ăn từng bữa; nhưng canh cánh đâu đó vẫn còn vợ chồng cơm không lành, canh chẳng ngọt. Đời sống vật chất đã được nâng lên, nhưng sóng gió trong lòng vẫn chưa yên…
Thiết nghĩ, gia đình luôn là điểm tựa của người lính, là động lực để người lính cống hiến và nâng cao trách nhiệm ở đơn vị. Gia đình là hậu phương vững chắc, là nơi người lính gửi gắm, chia sẻ tình cảm, trách nhiệm, giúp người lính giải tỏa áp lực trong học tập, công tác. Gia đình là cộng đồng nhỏ mà người lính gắn bó suốt đời, tạo ra các khuôn mẫu tác phong để các thành viên tiếp nhận các giá trị xã hội và ứng xử trong đời sống xã hội.
Phút chia tay ở đảo An Bang. |
Mong sao mỗi gia đình mãi là một bến bình yên với người lính.