Ngay sau khi nhận lệnh khởi tố vụ án, bị can bỗng …có biểu hiện tâm thần, nói năng nhảm nhí. Một bị cáo khác, ra trước vành móng ngựa rồi người nhà mới “khai” đã từng nhiều lần vào viện vì chứng bệnh thần kinh. Không ít người, “vin” vào lý do bị bệnh để trì hoãn, trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Những kẻ…giả điên
Câu chuyện về bị can …điên này được một bác sỹ, giám định viên Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP. Hồ Chí Minh kể lại. Đó là vụ một Việt kiều bị bắt về hành vi mua bán, vận chuyển ma tuý số lượng lớn. Thấy người này có biểu hiện bị tâm thần, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định và nhiều giám định viên của trung tâm nói trên đã phải vào cuộc để làm rõ “thực hư”.
Quá trình tiến hành giám định thì cho thấy, Việt kiều này có rất nhiều biểu hiện bất thường, nói năng nhảm nhí, thỉnh thoảng lên cơn động kinh, miệng sùi bọt mép, người luôn ngơ ngác..Nhiều luồng ý kiến trái chiều ngay trong những giám định viên kỳ cựu về tâm thần. Người thì cho rằng, Việt kiều này điên thật, người khác thì nói ngược lại. Tuy nhiên, những ngày trong tình trạng bị theo dõi, kiểm soát chặt các hành vi của bị can này, các giám định viên đã “tóm” được chỗ sơ hở của “người bệnh”.
Một kế hoạch được lên chi tiết. Câu chuyện khá “mùi mẫn” giữa giám định viên và đối tượng đã làm cho bị can này quên đi tình trạng “bệnh tật” của mình. Hắn kể chuyện và lắng nghe say sưa, hết cả run rẩy, ngơ ngác, sùi bọt mép…và sau nhiều lần đấu trí cuối cùng bị can này phải thừa nhận mình chỉ giả điên.
Vụ án thứ hai xảy ra trên địa bàn Hưng Yên, bị can trong vụ án N.T.H (sinh 1974, Tiên Du, Bắc Ninh). Theo điều tra, giả vờ là khách mua hàng, H đã tới tiệm vàng Ngọc Chiến (ở thị xã Hưng Yên) rồi “cuỗm” mất 48 dây truyền vàng (trị giá trên 60 triệu đồng) trong lúc chủ hiệu mất cảnh giác.
Công an thị xã Hưng Yên đã khởi tố H. về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, H. luôn cố tỏ ra là người có vấn đề về thần kinh. Người nhà bị can này cũng “trình” giấy xác nhận H. bị bệnh tâm thần của một số bệnh viện cả TW và địa phương.
Thận trọng, Công an Hưng Yên đã yêu cầu Tổ chức giám định pháp y tâm thần Hải Dương vào cuộc và họ đã có kết luận, H. hoàn toàn tỉnh táo, có nhận thức hành vi và điều khiển được hành vi, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm, N.T.H bị kết án 36 tháng tù và bồi thường dân sự cho bị hại. Tuy nhiên, đến phiên tòa phúc thẩm, người nhà H. tiếp tục khiếu nại vì cho rằng H. bị tâm thần. Một lần nữa cơ quan pháp luật lại phải đưa H. đến BV Tâm thần Trung ương ở Biên Hoà. Kết luận của BV này cho thấy H. không hề điên! Và cuối cùng bị cáo đã phải nhận mức án 48 tháng tù giam.
Cũng bằng thủ đoạn “giả tâm thần”, được biết H. cũng chính là kẻ đã gây ra các vụ trộm với thủ đoạn tương tự ở một số địa bàn lân cận với số tài sản lên tới 200 triệu đồng. Tuy vậy, H. không bị xử lý pháp luật nhờ có giấy xác nhận bị bệnh tâm thần .
Không thoát thì cũng được “nhẹ tội”?
Hai vụ án nêu trên chỉ là những ví dụ rất điển hình về tình trạng “giả điên” để thoát tội. Đây là những kế sách mà ngày càng nhiều đối tượng sử dụng để “qua mặt” cơ quan chức năng.
“Không thoát nhưng giả điên để được cho đi chữa bệnh, để được tại ngoại, hay ít ra chỉ để …kéo dài thời gian giải quyết vụ án là thực tế mà chúng tôi đã gặp nhiều”, một điều tra viên cho biết.
Theo quy định, nếu bị can, bị cáo có biểu hiện bị tâm thần thì cơ quan điều tra phải ra quyết định trưng cầu giám định. Giám định thậm chí phải thực hiện nhiều lần, (ví dụ như vụ N.T.H nói trên). Ngoài mất thời gian, nhiều vụ xảy ra xung đột giám định, việc giải quyết vụ án gặp nhiều bế tắc, đó là chưa kể giám định tâm thần là một công việc vô cùng gian nan, vất vả, và ranh giới giữa bệnh và không bệnh là rất mỏng manh...
Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự : 1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. 2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 13 BLHS)