Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các đơn vị tổ chức hoạt động dịch vụ phải có trách nhiệm xây dựng và quyết định mức thu các dịch vụ KCB hợp lý. Tiến hành, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.
Thủ trưởng đơn vị của các cơ sở y tế có sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu được quyết định mức thu. Tuy nhiên, mức thu này không được vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành. Bộ Y tế hiện đang xây dựng giá dịch vụ KCB theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở KCB sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) - ông Nguyễn Nam Liên cho biết, hiện giá dịch vụ KCB đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương (theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng). Năm 2019, Bộ Y tế còn 2 bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Cụ thể, bước 1, điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng; bước 2, tính chi phí quản lý. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và điều kiện kinh tế - xã hội sẽ là căn cứ để Bộ Y tế điều chỉnh giá KCB. Nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá để xem xét, điều chỉnh trong năm 2020. Như vậy, giá bao gồm cả chi phí khấu hao sẽ thực hiện vào 2021.
Được biết, Bộ Y tế cũng đang xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho y tế, phát triển y tế tư nhân, tạo điều kiện để các cơ sở y tế vay vốn, huy động vốn, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu