Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h30 ngày 13/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 77,96 USD/thùng, tăng 0,40 USD/thùng tương đương tăng 0,52%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 81,92 USD/thùng, giảm 0,29 USD/thùng tương đương giảm 0,35%.
Giá dầu biến động trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nhiều lo ngại cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sự gia tăng trong hoạt động lọc dầu của Mỹ có thể thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu. Điều này góp phần nâng đỡ giá dầu.Tuy nhiên, hạn chế mức tăng của giá dầu là triển vọng nhu cầu yếu đi và nguồn cung tăng từ các nhà sản xuất bên ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nguồn cung dầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 103,8 triệu thùng mỗi ngày. Mức tăng này chủ yếu do các nhà sản xuất ngoài OPEC+ (bao gồm Mỹ, Brazil và Guyana) tăng sản lượng khai thác.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2024 yếu hơn so với những tháng trước đó. Điều này cho thấy xu hướng giảm sức mua của thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vẫn kéo dài.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay: Xăng E5 RON 92 không quá 22.512 đồng/lít; Xăng RON 95-III không quá 23.557 đồng/lít; Dầu diesel không quá 20.471 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 20.609 đồng/lít; Dầu mazut không quá 16.133 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước nói trên được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 7/3. Theo đó, giá xăng dầu đều giảm với mức giảm sâu nhất là 372 đồng/lít đối với xăng RON 95-III. Giá dầu hỏa giảm ít nhất, 176 đồng/lít. Đáng chú ý tại kỳ điều hành này, chỉ có giá dầu mazut tăng, 174 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập và cũng không chi Quỹ bình ổn đối với hầu hết các loại xăng dầu, trừ dầu mazut chi 300 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 10 lần điều chỉnh giá trong đó có 6 lần tăng và 4 lần giảm.