Bụi tre, bờ ruộng bị “thổi” tiền tỷ
Từ sau Tết, theo ghi nhận, giá đất nền tại một số dự án khu vực vùng ven Đà Nẵng như Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn tăng chóng mặt. Giá đất mỗi lô tăng từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Một dự án tại quận Liên Chiểu là ví dụ. Trước Tết, trước khi chủ đầu tư và các đơn vị phân phối tiến hành chào bán, mỗi lô đất nền rơi vào tầm 2,3- 2,7 tỷ đồng, nhưng bắt đầu cuối tháng 2/2019 đã được rao bán ở mức trên 3 tỷ đồng/lô.
Và như để “tát nước theo mưa”, giá mà chủ đầu tư cùng các đơn vị phân phối đưa ra cũng tăng lên, dao động 3 tỷ, một giá mà cách đó khoảng vài tháng, có nằm mơ nhà đầu tư cũng không tưởng tượng được.
Tại khu vực đường Võ Chí Công nối dài, cạnh cầu Khuê Đông (quận Ngũ Hành Sơn), giá mỗi lô thấp nhất ở đường rộng 5,5 m cùng có giá 3 tỷ. Có lô vị trí đẹp, gần công viên, được hét giá lên 5 tỷ. Khu đô thị Phước Lý, quận Liên Chiểu cũng tăng giá không kém, giá mỗi lô ở đường 5,5 m cũng xấp xỉ 2,8 tỷ đồng trong khi trước Tết chỉ có chưa đến 2 tỷ đồng.
Còn tại Hải Châu, một môi giới cho biết, trước Tết có người nhờ bán lô đất tại khu phức hợp đường 2/9 với giá 205 triệu/m2 nhưng rao liên tục không có ai mua, hiện giá tại khu vực này đã lên gần 220 triệu/m2. “Ở Đà Nẵng bây giờ, nếu có trong tay tầm 2 tỷ thì không biết mua đất ở đâu”, một người bình luận về cơn sốt giá đất hiện nay tại Đà Nẵng.
Trong khi đó, ở vùng quê, đi dọc các tuyến đường dẫn vào thôn Nam Sơn, Lệ Sơn (Hòa Tiến), không khó để nhiều người bắt gặp cảnh quán cà phê trước đây vắng vẻ, vốn chỉ có người địa phương qua lại, nay trở thành nơi tập kết của “cò” đất bàn chuyện mua bán, chuyển nhượng, sang tên, đặt cọc. Cụ thể, mỗi lô đất 100m2 tại 2 thôn này từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Đáng nói, từ trước Tết các lô đất này giá chỉ khoảng 150-200 triệu đồng. Thấy đất được giá, nhiều người đã lấp ao, san đất ruộng, bán cả bụi tre. Từ đó, nhiều thửa ruộng rộng cả ngàn m2 chưa được tách thửa nhưng “cò” đất đã hét bán với giá cao hàng tỷ đồng.
Vào đầu tháng 2/2019, bà Lê Thị Ngọ (70 tuổi, ngụ thôn Nam Sơn) thấy giá đất cao nên quyết định bán đất giá 700 triệu đồng/lô 200m2. Đến cuối tháng 2/2019, giá đất này đã tăng gấp đôi, lên hơn 1,5 tỷ đồng. Ngồi quán cà phê nhìn người khác trao đổi, cụ bà không khỏi tiếc nuối.
Không chỉ ở xã Hòa Tiến, nhiều ngày qua, giá đất ở xã Hòa Châu cũng tăng gấp 2-3 lần so với trước Tết. Ông Nguyễn Thanh Nam (67 tuổi) có mảnh vườn nhà hơn 2.000m2, cả đời chỉ nghĩ để con cháu về ở, trồng cây trái.
Từ trước Tết, “cò” đất về thăm dò qua lại rồi trả mua 15 tỷ đồng. Ông Nam kể, con số đã khiến ông “choáng váng”, nhưng vì đất tổ tiên nên gia đình chưa nghĩ ngợi. Đột nhiên sau Tết, mảnh đất của ông tiếp tục được trả tới… 35 tỷ đồng.
Ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho hay, trên địa bàn xã có xảy ra cơn sốt đất, nhưng do “cò” đất tạo ra. Những người hành nghề môi giới, “cò” đất tự tung tin có dự án trên địa bàn, rồi lân la tới khu vực, vờ nói chuyện với nhau về thông tin đất tăng giá. Từ đó, họ đẩy giá đất thực tế lên cao. Những ngày này, “cò” đất chạy xe lòng vòng khắp xã nhưng giao dịch đất đai thực tế không nhiều hơn so với bình thường.
Tại miền Trung, hiện có nơi sốt đất ảo, nhưng cũng có những nơi “người mua đi thành từng đoàn, đến đâu giao tiền đến đấy”. |
Theo ông Trúc, tại huyện Hòa Vang, giá một lô đất 100m2 ở đường bê-tông 2,5 m vào khoảng từ 100-150 triệu đồng, tùy vị trí, giá đất do nhà nước quy định ở khu vực này chỉ 250.000/m2. Thế nhưng “cò” đất đã hét giá gấp 7-8 lần giá đất thực tế.
Số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cũng thể hiện, có rất ít giao dịch đất đai thực tế tại thời điểm này nên việc giao dịch, đặt cọc, mua đất ở địa phương chủ yếu là ảo.
“Người mua đi thành từng đoàn”
Tại Quảng Nam thời gian qua cũng diễn ra cơn sốt đất tương tự, nhưng tình trạng mua bán trao tay là có thật, chứ không sốt ảo như tại Đà Nẵng. Những dự án nghỉ dưỡng tỷ đô được triển khai tại các huyện phía Đông tỉnh này đã đẩy giá đất tăng cao. Nhiều người truyền tai nhau “”đại gia” từ khắp nơi tới mua đất”, cộng với những đối tượng “cò” thổi chuyện đã làm người dân các khu vực này đứng ngồi không yên.
Tại xã Cẩm Thanh, TP Hội An, nơi có di tích rừng dừa Bảy Mẫu đã đưa vào khai thác, phục vụ du lịch, đất được nhiều người lùng sục mua. Anh Ngô Hà (thôn Thuận Tình, Cẩm Thanh) cho biết, trước đây, đất có giá 5 triệu đồng/m2, nay đã lên 15 triệu thậm chí có nơi lên 20 triệu đồng vẫn không có để bán. Người mua chủ yếu ở nơi khác tới, “mua đất như mua mớ rau, con cá ở chợ”, chỉ cần nhìn vị trí, quan sát địa điểm một thoáng là đặt cọc.
Trước đây Cẩm Thanh là vùng đất thuần nông, người dân sống giữa bốn bề đất nông nghiệp cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt nên gia đình nào cũng có từ 2.000m2 trở lên. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên nhiều gia đình đành phải bán đất để trang trải cuộc sống gia đình hoặc lo chuyện học hành của con cái.
Tương tự, tại 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), dọc các tuyến đường làng, nhiều biển quảng cáo “bán đất ven biển” treo nhan nhản. Thấy khách lạ đến, tưởng hỏi mua đất, mấy hộ dân thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa đon đả kể “gia đình mới bán 1.000m2 đất với giá 5 tỷ, được mấy hôm giá lại lên vùn vụt”.
Hiện tại, mỗi m2 ở khu vực gần biển rao giá lên đến gần 10 triệu đồng. Những lô đất gần biển hay gần các dự án du lịch được giới đầu tư quan tâm nhất, vì vậy, nhiều người nông dân có những mảnh đất nằm trong khu vực này đã trở thành tỷ phú sau một đêm.
Có mặt tại các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải (huyện Thăng Bình), cán bộ địa phương cũng không giấu thông tin, vừa qua, nhiều gia đình ở đây “trúng đất” với số tiền thu về lên con số hàng chục tỷ đồng.
Đất người dân bán được giá có vị trí phía đông đường Thanh Niên, cách bờ biển vài trăm mét. “Người mua đi thành từng đoàn, đến đâu giao tiền đến đấy, không quan tâm đất rừng hay đất ở”, một người địa phương cho hay. Thủ tục cực kỳ “giản đơn”, hai bên chỉ viết giấy nhận tiền, không cơ quan nào chứng thực.
Ông Đặng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, thời gian qua đất ở, đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm chạy dọc ven biển trở thành “đất vàng”. Đất được quy hoạch trong các khu tái định cư cũng tăng lên gấp 7-8 lần, hai năm trước chỉ khoảng 150 triệu đồng/lô, nay đã lên gần 1 tỷ đồng/lô.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.