Mỗi năm Việt Nam mất hàng tỷ USD chi phí cho con em du học nước ngoài, thế nhưng câu chuyện đổi mới cơ chế tài chính như thế nào để nâng cao chất lượng đại học, vừa chuẩn hóa nguồn nhân lực vừa giữ được ngoại tệ cho đất nước, xem ra vẫn còn rất chơi vơi…
Cuối tuần qua, thêm một hội thảo về vấn đề này lại được Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính đem ra bàn thảo…
Theo phản ánh của 43 trường ĐH công lập, năm 2011, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ các trường trong là 1.246 tỷ đồng, các trường đã huy động thêm các nguồn thu sự nghiệp là 2.760 tỷ đồng (trong đó nguồn thu học phí chính quy là 1.190 tỷ đồng, nguồn thu học phí hệ vừa học vừa làm là 430 tỷ đồng, nguồn thu học phí liên kết đào tạo và các nguồn chuyển giao công nghệ khác là 660 tỷ đồng). Qua đó đã khuyến khích tập thể lãnh đạo và giảng viên nhà trường quan tâm, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm các nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ giáo viên (hệ số tăng thêm thu nhập của các trường tự bảo đảm 1 phần kinh phí hoạt động chi thường xuyên từ 0,5 đến 1,5 lần)
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục và đào tạo, dạy nghề thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương thì đầu tư NSNN lâu nay vẫn giữ nguyên thực trạng là tính theo chỉ tiêu “đầu vào” để chia ngân sách mà không phân biệt ngành nghề, đối tượng đào tạo. Chất lượng đào tạo bất cập, hệ lụy đến xã hội là sinh ra tâm lý không tin vào giáo dục ĐH của Việt Nam, rất nhiều gia đình đã cho con em đi du học và kéo theo đó là lượng ngoại tệ hàng tỷ USD “chảy” ra nước ngoài.
“Chúng ta đang cào bằng chứ không phải công bằng, Ví dụ cùng một bậc ĐH, xã hội nhân văn khác kỹ thuật, nhưng đầu tư như nhau là sai…”- ông Hưng khẳng định.
Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ đề nghị cần chọn một số trường thí điểm để đổi mới cơ chế tài chính. “Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng làm được. Bộ GD&ĐT trước đây cũng đã chọn một số trường thí điểm rồi nhưng nhiều quá, bây giờ chọn ít thôi. Trong các trường cũng không nên thực hiện hết mà chọn các ngành và chuyên ngành để thí điểm...”- ông Nhạ đề nghị.
Theo nhà giáo này, căn cứ vào chất lượng đầu ra hoàn toàn có thể tính được chi phí đào tạo. “Hoàn toàn có thể tính được chi phí đào tạo theo ngành căn cứ vào giá thực tế , lạm phát, kể cả khấu hao. Quan trọng nhất là phải minh bạch cấu thành giá chi phí đào tạo. Các trường hoàn toàn có thể khảo sát yêu cầu đầu ra để hoàn thiện được mô hình tính toán giá và chuẩn đầu ra và có thể điều chỉnh giữa chừng” – ông Nhạ khẳng định.
Theo định của Bộ Tài chính, tới đây sẽ lựa chọn các đơn vị tham gia thí điểm cơ chế tài chính theo 2 nhóm: nhóm 1 là các đơn vị được ngân sách nhà nước cấp kinh phí theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các ngành có sinh viên học với tỷ lệ thấp nhưng xã hội có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, bao gồm: ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên); nhóm 2 là các đơn vị thực hiện giao quyền tự chủ hoạt động kết hợp tự chủ tài chính cao, có khả năng xã hội hóa cao, bao gồm: ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương.
Thanh Lan