Giả danh công an gọi điện lừa đảo hơn 3,3 tỷ đồng

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa
(PLVN) - Bằng cách mạo danh công an ra lệnh bắt khẩn cấp vì hành vi đánh bạc, ma túy, rửa tiền, Phạm Đình Luận cùng đồng bọn ép các nạn nhân chuyển hơn 3,3 tỷ đồng để “phục vụ công tác điều tra”.

8 ngày chiếm đoạt hơn 3,3 tỷ đồng

Ngày 25/4, tại TAND tỉnh Nghệ An, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử các bị cáo Phạm Đình Luận (SN 1993), Nguyễn Hữu Thu (SN 1991), đều trú xã Hương Mỹ, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo Luận và Thu.

Khoảng tháng 8/2018, Luận nhận được điện thoại của Nguyễn Văn Phi (28 tuổi), anh em họ của vợ Luận, trú huyện Lục Nam (Bắc Giang). Phi nhờ Luận tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng và thẻ ATM, hứa trả tiền mỗi thẻ 3 triệu đồng.

Luận tìm được Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Đình Phi (SN 1999) nhờ đến các ngân hàng, mở tổng cộng 15 tài khoản ngân hàng, lấy 15 thẻ ATM. Sau đó, Luận nhờ người gửi sang Đài Loan cho Nguyễn Văn Phi. Luận còn bàn với Thu, Phi làm CMND giả và tiếp tục lập thẻ ngân hàng rồi bán lại cho Nguyễn Văn Phi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Sau đó, từ Đài Loan, Nguyễn Văn Phi gọi điện thống nhất với Luận, Đình Phi, Thu khi có tiền của người bị hại chuyển vào các tài khoản sẽ đi rút tiền mặt. Nguyễn Văn Phi hứa sẽ cho Luận, Thu, Phạm Đình Phi 20% tổng số tiền chiếm đoạt được.

Trong vòng 8 ngày, các đối tượng đã 5 lần thực hiện hành vi chiếm đoạt của các bị hại ở nhiều tỉnh khác nhau. Tổng số tiền mà các đối tượng thu lợi bất chính khoảng 3,3 tỷ đồng. Trong đó, nạn nhân bị lừa ít nhất cùng gần 170 triệu đồng, còn người bị mất nhiều tiền nhất là bà Bùi Thị Hồng T. (Khánh Hòa) hơn 2,4 tỷ đồng.

Trình bày lại chiêu thức lừa đảo của các đối tượng và việc mình bị lừa, bà Bùi Thị Hồng T. cho hay, sáng 29/8/2018, bà bất ngờ nhận được điện thoại từ số máy lạ. Đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ tự xưng là nhân viên viễn thông, thông báo bà đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước. Bà T. nói không đăng ký điện thoại tại Hà Nội thì người phụ nữ này nói có thể một người nào đó đã sử dụng CMND của bà để gọi sang các nước và sẽ chuyển máy đến công an để khiếu nại.

Sau đó, một nam giới tự xưng là Đại úy công an, cán bộ công an TP Hà Nội thông báo bà T. có liên quan đến vụ án lớn. Số điện thoại của bà được gọi đi nhiều nước, liên quan đến hoạt động mua bán trẻ em, mua bán ma túy và trong tài khoản của bà được chuyển nhiều tỷ đồng liên quan đến những hoạt động này.

“Cán bộ công an” này yêu cầu bà T. không được nói cho ai biết và thành thật trả lời các câu hỏi liên quan đến nhân thân, lai lịch, số tiền trong các sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, người phụ nữ này tiếp tục nhận được số điện thoại lạ gọi đến tự xưng là cán bộ tòa án, yêu cầu bà phải chuyển tiền vào các tài khoản được đưa ra.

Liên tiếp bị tấn công dồn dập bởi những số điện thoại của những người liên quan đến pháp luật khiến bà này hoảng sợ. Trưa cùng ngày, bà T. đã ra ngân hàng chuyển hơn 2,4 tỷ đồng cho đối tượng lạ.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào cuối tháng 11/2018, các bị cáo khai toàn bộ các bước gọi điện thoại, lừa các nạn nhân gửi tiền vào thẻ là do Nguyễn Văn Phi thực hiện. Nhóm bị cáo chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của Phi là rút tiền từ các thẻ ATM ra, gửi cho Phi để hưởng %.

Riêng các bị hại khai rằng không hiểu vì lý do gì đã nghe răm rắp theo mọi sự yêu cầu của các đối tượng. Chỉ đến khi tiền trong tài khoản ngân hàng được chuyển đi sang tài khoản mà các đối tượng cung cấp, họ mới giật mình. Tuy nhiên, lúc này mọi chuyện đã quá muộn.

Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Đình Luận 15 năm tù, Nguyễn Hữu Thu 14 năm tù, Phạm Đình Phi 8 năm tù; buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho các nạn nhân số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt.

2 bị cáo được giảm án

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, Phạm Đình Luận và Nguyễn Hữu Thu đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại tòa, Luận trình bày lý do kháng cáo vì gia đình có người thân là liệt sỹ. Sau khi sự việc xảy ra, phía gia đình bị cáo đã bồi thường một phần thiệt hại cho các bị hại. Ngay tại tòa phúc thẩm, dưới sự chứng kiến của HĐXX, người thân của bị cáo Luận đã đền bù số tiền 50 triệu đồng cho các bị hại.

Các bị cáo được giảm án
Các bị cáo được giảm án

Đại diện VKS nhận định hành vi của các bị cáo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người khác. Tuy nhiên, trong vụ án này, hai bị cáo Luận, Thu là người giúp sức, không phải là chủ mưu của vụ án, không trực tiếp lừa các bị hại nên xét thấy có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Với sự có mặt của đông đảo người dân tại phiên tòa, HĐXX khuyến cáo người dân hãy luôn cảnh giác với những hình thức lừa đảo tinh vi của các đối tượng. Nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, mạo danh cán bộ công an và cơ quan chức năng để ép các nạn nhân chuyển tiền. Đây cũng là bài học cho các bị hại vì sự tin người thái quá, không tỉnh táo để nhận ra sự lừa đảo của các đối tượng.

Xem xét toàn diện vụ án, tòa phúc thẩm quyết định giảm án cho các bị cáo. Tuyên phạt Phạm Đình Luận từ 15 năm tù xuống còn 12 năm tù, Nguyễn Hữu Thu từ 14 năm tù xuống 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Phúc thẩm vụ án 'thuê người đánh ghen' ở Bến Tre

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Ngày 7/1/2025, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên xử phúc thẩm với các bị cáo Lê Thị Trang (SN 1982), Phạm Thành Lộc (SN 1998), Đinh Văn Chăng (SN 2004), Lê Đoàn Thiên Phúc (SN 2004) và Đinh Văn Hùng (SN 1978) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM)

Tống đạt các quyết định tố tụng với hai bị can. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Dùng dao chém mẹ vợ, con rể lãnh 9 năm tù

Bị cáo gần tại phiên tòa.
(PLVN) - Cuối phiên xử sơ thẩm ngày 2/1/2025, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Gần (SN 1975, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), 9 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là bà Trần Thị Tư (mẹ vợ của bị cáo).

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.