Cuối tuần qua, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ lừa chạy việc, xin học. Bị cáo trong vụ án này là Nguyễn Văn Điệp (SN 1984, ở quận Ba Đình, Hà Nội) và Lê Văn Quân (SN 1986, ở quận Đống Đa, Hà Nội). Hai người này bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo cáo trạng, Điệp là người không có nghề nghiệp ổn định. Để có tiền, Điệp nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của những người quen biết thông qua hình thức lừa đảo xin việc, xin học cho nhiều người vào các cơ quan nhà nước, vào ngành Công an. Tài liệu điều tra thể hiện, năm 2015, Điệp quen biết với chị Lê Thu Hà (SN 1981, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Qua chị Hà, Điệp biết vợ chồng chị Lê Thị Thu Huyền và anh Nguyễn Văn Phương (ở quận Cầu Giấy).
Quá trình quen biết nhau, Điệp dùng tên giả là Nguyễn Mạnh Hùng – cán bộ một ngân hàng lớn có trụ sở ở Hà Nội, có nhiều mối quan hệ quen biết, có thể xin đi học, làm việc trong lực lượng Công an nhân dân và các cơ quan nhà nước. Mức giá Điệp đưa ra để xin học, xin việc từ 200 đến 300 triệu đồng/suất, đặt cọc trước 100 triệu đồng. Tin tưởng, nhiều người đã đưa tiền cho Điệp mà không mảy may biết mình bị lừa.
Về phía Điệp, sau khi tiếp nhận hồ sơ và tiền của các bị hại qua đầu mối là chị Lê Thu Hà, Lê Thị Thu Huyền và Nguyễn Văn Phương chuyển đến, anh ta lấy thông tin cụ thể, sau đó tới cửa hàng photocopy của Quân, truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy mẫu các quyết định tiếp nhận công tác của Bộ Công an, có chữ ký của Bộ trưởng và các quyết định tuyển dụng của những cơ quan nhà nước – nơi người xin việc nhờ xin - có đóng dấu tải về máy tính; lấy những mẫu Giấy báo nhập học của các trường thuộc lực lượng Công an nhân dân mang đi scan.
Bên cạnh đó, Điệp còn thuê chủ quán photocopy làm giả các quyết định, giấy báo nhập học theo nội dung dựa trên thông tin từ các hồ sơ xin việc, xin học. Quân đồng ý và làm giả các giấy tờ trên theo yêu cầu của “thượng đế”. Nhận các quyết định, giấy báo nhập học trên từ Quân, Điệp mang về đưa cho chị Hà, chị Huyền và anh Phương để giao cho những người nhờ xin.
Nhằm tránh các nạn nhân có thể phát hiện đó là giấy tờ giả, không có thật, Điệp đã sử dụng sim điện thoại rác để gọi trực tiếp cho các thí sinh đã nộp hồ sơ. Qua điện thoại, kẻ giả danh cán bộ ngân hàng tự xưng là thầy giáo dạy tại các trường cảnh sát, an ninh hoặc cán bộ tổ chức của các cơ quan nhà nước nơi tuyển dụng để hướng dẫn những người xin học, xin việc mang giấy báo nhập học, quyết định tuyển dụng giả trên đến nộp tại trường, cơ quan. Sau đó, Điệp tới đợi sẵn để thu hồi lại các giấy tờ giả trên nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.
Bằng thủ đoạn nêu trên, từ tháng 2/2015 đến cuối tháng 11/2015, Nguyễn Văn Điệp đã lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 8,6 tỷ đồng của 41 trường hợp xin việc, xin học cho người thân vào lực lượng Công an, cơ quan nhà nước…
Trong tổng số tiền chiếm đoạt của các bị hại, Điệp mới trả cho chị Huyền, Hà và anh Phương hơn 3 tỷ đồng. Đối với Nguyễn Văn Quân, cơ quan chức năng xác định Quân được Điệp thuê làm giả khoảng 60 Quyết định tuyển dụng, Giấy báo nhập học của các cơ quan nhà nước, các trường Công an nhân dân thuộc Bộ Công an, thu lợi bất chính 7 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau 2 ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số tình tiết trong vụ án.