Hàng rau, củ, quả các loại tràn ngập trên thị trường những ngày sau Tết. |
Sau đợt rét đậm kéo dài cả tháng, những ngày giáp Tết Tân Mão, cùng với sự ấm lên của thời tiết, Tết năm nay được xem là khá ổn định về giá cả các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết khiến người tiêu dùng phấn khởi. Ngược lại với nhiều năm trước, ngày 30 Tết năm nay, giá các loại rau quả, thịt cá đều rẻ hơn nhiều so với những ngày trước đó. Tại các chợ trên địa bàn TP Nam Định, chiều 30 Tết, giá gà thịt chỉ còn 80-85 nghìn đồng/kg, gà lễ từ 90-95 nghìn đồng/kg, giảm 15 đến 20 nghìn đồng/kg so với mấy ngày trước. Giá thịt lợn cũng giảm nhẹ từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg. Các loại rau xanh có giá rẻ bất ngờ. Một củ su hào hôm trước được bán 4 nghìn đồng đến ngày 30 Tết chỉ có giá 2.500 đồng, một cây bắp cải cũng hạ khoảng 3 nghìn đồng. Chị Nguyễn Thị Ngà chuyên buôn rau tại chợ Hoàng Ngân cho biết, hai hôm trước giá cao, chị không có hàng để bán, đến hôm nay thì giá rẻ mà lại ít người mua do hầu hết các bà nội trợ lo xa đã mua tích trữ từ nhiều ngày trước. Gặp bác Vũ Thị Lụa ở đường Trần Nhật Duật xách một tay nải nặng rau quả, thịt cá, bác phân trần: Dù đã mua nhiều để trong tủ lạnh song nay thấy giá rẻ nên bác mua thêm phòng sau Tết giá tăng cao. Không chỉ có các mặt hàng thực phẩm hạ nhiệt, ngày 29, 30 Tết, các mặt hàng hoa, cây cảnh cũng đồng loạt giảm giá. Một chục bông hoa lay-ơn hôm trước có giá 100 đến 120 nghìn đồng, đến ngày 30 Tết giá chỉ còn một nửa. Còn với nhiều người bán quất, đào rơi vào cảnh “Bán thì tiếc mà chở về thì chẳng biết để đâu”. Anh Trung chủ vườn quất ở xã Nam Vân chỉ vào cây quất khá đẹp tiếc rẻ: Hôm trước tại vườn đã có người trả 600 nghìn đồng không bán, đánh sang chợ hy vọng gặp khách được hơn một chút không ngờ giá lại rớt nhanh thế, giờ chỉ mong bán được 400 nghìn đồng mà không có người mua, chẳng lẽ lại chở về(!). Với anh Trung như thế vẫn còn hy vọng thu hồi được vốn chứ với nhiều người bán đào rừng năm nay là một năm “thất thu” bởi thời tiết rét đậm kéo dài, cành đào chẳng ra nụ, cũng chẳng nảy lộc, chẳng khác nào cành củi khô, không có khách hỏi đành chất đống ở vệ đường chờ người thu gom rác đến chở đi.
Trái với dự đoán của nhiều người, ra ngoài Tết, các mặt hàng rau, quả thực phẩm cũng có giá “dễ chịu”, không có tình trạng giá tăng quá cao như nhiều năm trước. Ngày mồng 2 Tết, các chợ trên địa bàn thành phố đã rải rác họp, hàng hoá thực phẩm tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ mua. Sang ngày mồng 4, mồng 5 Tết hầu hết các chợ đã họp trở lại. Thịt bò, thịt gà không tăng giá, thậm chí còn hạ so với những ngày giáp Tết. Các loại gạo tám, gạo bắc thơm cũng vẫn giữ giá.
Người Việt ta vốn hay lo xa nên ai cũng muốn tích trữ thật đầy đủ mọi thứ cho 3 ngày Tết. Thói quen đó đã khiến cho nhu cầu mua sắm tăng nhanh trong những ngày Tết. “Cung vượt cầu” đã đẩy giá các mặt hàng tăng cao, thậm chí “cháy hàng” trong những ngày cận Tết, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, năm nay quy luật đó có phần “đảo chiều”, hình thành tâm lý mới cho các bà nội trợ năm sau sẽ không mua tích trữ nhiều mà dùng đến đâu mua đến đấy cho tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại đỡ được cảnh chen chúc trong những giáp Tết. Lý giải về sự chênh lệch giá những ngày trước và sau Tết, nhiều người cho rằng do thời tiết ấm lên, các loại rau củ quả bắt đầu tăng trưởng nhanh không còn tình trạng khan hiếm như nửa tháng trước đó nên giá hạ theo và nguyên nhân quan trọng đó là hiệu quả của việc thực hiện hàng loạt giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2010. Sự ổn định về giá cả trong những ngày đầu năm cũng đã khiến cho tâm lý người tiêu dùng rất phấn khởi. Đây là một tín hiệu vui khởi đầu cho một năm mới./.
Bài và ảnh: Hoài Phương