Miền Tây sông nước dễ sống nhất
Cụ thể, nếu lấy Hà Nội làm chuẩn với tỉ lệ 100% thì Lào Cai có mức giá sinh hoạt lên đến 99,97% (đắt hơn TPHCM); Điện Biên và Lai Châu “đồng hạng” 3 với mức giá lên đến 99,45%, chỉ kém TP HCM… 0,22%.
Đáng chú ý, Lai Châu có sự thay đổi từ vị trí mức sống “đắt đỏ” nhất cả nước trong năm 2015 nay đã xuống hạng ở vị trí thứ 3, khi mà giá bình quân các nhóm y tế và giáo dục của Lai Châu đã thấp hơn so với Hà Nội, tương ứng là 92% và 93%.
Theo lý giải của đại diện Tổng cục Thống kê, các tỉnh này có mức giá cao chủ yếu xuất phát từ nhóm hàng giao thông và nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Đặc biệt, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức giá cao hơn hẳn so với Hà Nội và TP HCM. Nguyên nhân được đưa ra là do ở khu vực núi cao việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, điều này làm cho giá cả các tỉnh trong vùng cao hơn so với các tỉnh khác
Cũng theo số liệu trên, Hậu Giang hiện là tỉnh có chỉ số giá thấp nhất trong cả nước. Cụ thể, Hậu Giang có 10 nhóm hàng mức giá thấp hơn Hà Nội, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế thấp nhất và bằng 79,14% so với mức giá bình quân của các vùng. Đứng thứ 2 về mức giá rẻ là tỉnh Vĩnh Long, với hầu hết các nhóm hàng đều thấp hơn so với Hà Nội. Đáng lưu ý, năm 2016 Vĩnh Long chưa tăng giá dịch vụ y tế.
Báo cáo này phân tích, nguyên nhân chính làm cho các tỉnh này có mức giá tiêu dùng rẻ hơn nằm ở các nhóm hàng văn hóa, giải trí, du lịch. Bên cạnh đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tại đây cũng có mức giá giảm hơn năm trước từ 2% đến 10%.
Riêng tỉnh Bắc Kạn lại có mức chi phí sinh hoạt biến động lớn nhất trên cả nước khi “vọt” từ vị trí thứ 56 trong năm 2015 lên vị trí thứ 44 trong năm 2016. Nguyên nhân chính là do giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng lên tới 118%. Ở diễn biến ngược lại, Gia Lai và Đắk Lắk lại giảm đáng kể khi tụt lần lượt 11 và 13 bậc so với năm 2105 do có mức giá tiêu dùng rẻ hơn ở các nhóm hàng văn hóa, giải trí, du lịch.
Đi học ở vùng đất đỏ bazan đắt nhất nước
Theo số liệu mới công bố, vùng Đông Nam bộ đắt đỏ nhất trong cả nước trong năm 2016; theo sau là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Lý giải cho số liệu này, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, sở dĩ vùng Đông Nam bộ có chỉ số giá cao nhất là do có 2 tỉnh, thành tăng giá dịch vụ y tế là TP HCM tăng 44,47% và tỉnh Bình Dương tăng 64,07%.
Theo đó, chỉ số của vùng này cao hơn hầu hết ở các nhóm hàng: may mặc, nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông và bưu chính viễn thông, … với mức giá bình quân hơn từ 0,3% đến 7,57%. Đặc biệt, giá thuê nhà ở tại TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mức giá cao so với các tỉnh khác.
Cũng theo lý giải này, khu vực Trung du và vùng núi phía Bắc có chỉ số giá cả đứng thứ 2 là do có 10 nhóm hàng có mức giá bình quân tăng cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng. Nguyên nhân được đưa ra là do đây là vùng núi cao, nhiều loại hàng hóa không được sản xuất tại chỗ mà phải đưa từ miền xuôi lên, trong khi đó đường sá đi lại khó khăn, nên giá cước vận tải hàng hóa cao.
Được biết, tất cả các nhóm hàng của khu vực này đều cao hơn giá cả của khu vực Đồng bằng sông Hồng, ngoại trừ nhóm giáo dục. Nguyên nhân giá cả ở lĩnh vực giáo dục của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc thấp hơn các tỉnh Đồng sông Hồng là do các tỉnh trong vùng chưa tăng hết giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình của Nghị định 86/2015/NĐ-CP (ban hành ngày 2/10/ 2015) của Chính phủ. Cũng vấn đề này, đáng chú ý, chi phí cho giáo dục ở khu vực Tây Nguyên đang trở nên đắt đỏ nhất trên cả nước (ở mức 100,59% so với 100% ở khu vực sông Hồng và 100,37 ở khu vực Đông Nam bộ)
Công bố chỉ số giá sinh hoạt của năm 2016 tiếp tục cho thấy, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng có chỉ số giá sinh hoạt thấp nhất cả nước. Trong 11 nhóm hàng, có 9 nhóm có mức giá thấp hơn mức giá bình quân vùng Đồng bằng sông Hồng do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi.