Tại Đà Nẵng, Bộ Y tế hôm qua tổ chức Hội nghị Pháp y toàn quốc. Nhiều buồn vui nghề nghiệp, những bức xúc, khó khăn và cả những ước mong về một sự phụng sự tốt nhất cho hoạt động tố tụng, bảo vệ công lý đã được những người làm cái nghề “không ai muốn làm” này bày tỏ.
Bác sỹ pháp y sống bằng gì?
Đối với bác sĩ pháp y, câu hỏi “sống thế nào” vẫn ngày ngày, giờ giờ được đặt ra. Cách đây 2 năm, những người làm giám định pháp y đã rất mừng vui khi Quyết định số 74 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Nhưng đối với những người làm công tác giám định pháp y (GĐPY) thì bằng đó cũng đủ để vui mừng, vì nhiều năm trước đó họ chỉ nhận được vỏn vẹn 150.000 đồng cho một cả mổ tử thi. Thế nhưng, chưa kịp vui thì bác sĩ pháp y đã phải buồn vì có quá nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện.
Từ 19/8, giám định viên pháp y hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương Ngày 4/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 56/2011/NĐ-CP Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, cán bộ GĐPY, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 70% lương. Nguồn chi trả từ ngân sách nhà nước, nguồn thu của các cơ sở y tế từ hoạt động sự nghiệp… |
Theo thống kê của Viện Pháp y quốc gia, Cơ quan điều tra ở nhiều địa phương đến nay vẫn chưa chi trả tiền bồi dưỡng theo QĐ 74, hoặc mới bắt đầu chi trả nhưng các trường hợp đã giám định từ ngày 1/7/2009 đến nay thì không được truy lĩnh.
Ông Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Pháp y Kiên Giang cho biết: Không những không chi trả những vụ giám định thời gian trước đó, mà Cơ quan Điều tra ở đây còn nợ Trung tâm rất nhiều vụ thực hiện từ 1/1/2010 đến nay. Việc tạm ứng trước tiền bồi dưỡng khi trưng cầu giám định cũng không được thực hiện mà chỉ chi trả khi đã có đầy đủ kết luận giám định.
Còn Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc lại gặp khó khăn khác. Thực hiện QĐ 74, Cơ quan điều tra tỉnh đã có quy định đối với giám định viên cấp huyện chỉ chi trả tiền bồi dưỡng cho 3 người/vụ (bao gồm GĐV chính và 2 người phụ), còn tuyến huyện là 2 người/vụ (1 GĐV chính và 1 người phụ). Theo ý kiến của ông Nguyễn Hoài Nam – Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc - quy định kiểu này là không phù hợp và gây khó cho hoạt động giám định.
Ông Nam cho rằng, QĐ 74 quy định khi chỉ số tiêu dùng tăng quá 25% thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các mức bồi dưỡng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Như vậy, các đối tượng được hưởng chế độ này luôn bị thiệt thòi vì chẳng lẽ phải đợi vật giá tăng từ vài phần trăm lên tới 25% mới được các Bộ nghiên cứu, đề xuất trong khi các bác sỹ pháp y vẫn không thể từ chối bất kỳ một vụ việc nào?.
Phối hợp giám định – tố tụng: Vẫn đường một chiều
Không phải đợi đến hội nghị này, TS.Vũ Dương – Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia - mới bày tỏ sự bức xúc của mình về sự phối hợp giữa Cơ quan giám định và Cơ quan tố tụng hiện nay. Tại hội nghị, ông Vũ Dương đã thẳng thắn nhận định: “Sự phối kết hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan giám định hiện nay còn có quá nhiều điểm chưa tốt”.
Ông Nguyễn Đức Chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Phải có các giải pháp phù hợp” Việc triển khai thực hiện tốt Đề án 258 là cơ hội hết sức thuận lợi để chúng ta nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của hoạt động GĐPY nói chung, GĐPY, pháp y tâm thần nói riêng để từ đó có các giải pháp quan tâm, chăm lo công tác giám định tư pháp. Phải có các giải pháp phù hợp sao cho mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan thực thi pháp luật hiểu đúng, đủ về hoạt động GĐPY, pháp y tâm thần, tiến tới phổ cập nhận thức trong nhân dân về công tác giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng”. |
Nhận định này đã được ông Hoàng Doãn Đông - Quyền Giám đốc Trung tâm Pháp y Cao Bằng - minh chứng qua lời than rằng, chưa bao giờ nhận được phản hồi từ cơ quan xét xử về kết quả giám định, để từ đó người giám định có thể biết rằng mình đã đóng góp được đến đâu trong việc bảo vệ công lý, còn sai sót chỗ nào để khắc phục.
Không chỉ riêng ông Đông mà rất nhiều giám định viên có mặt tại hội nghị cũng tha thiết được bày tỏ mong muốn sẽ được “theo” kết quả giám định của mình ra tới tận Tòa để chứng kiến, để bảo vệ khi cần thiết. Nhưng vì tình trạng hiện nay vẫn “đường một chiều” nên các giám định viên thường nói vui với nhau là “con ta đẻ ra nhưng kẻ khác gả chồng”.
Nhiều kết quả giám định bị thả nổi
Một bất cập về sự liên kết nữa là giữa cơ quan giám định trung ương và địa phương, giữa ngành y tế và tư pháp tại địa phương quá lỏng lẻo, thiếu sự chung tay tổng kết, đánh giá thường xuyên, dẫn đến nhiều kết quả giám định hiện nay bị thả nổi, sai lệch, thậm chí nhiều vụ giám định còn mang tính chất cho đủ thủ tục pháp lý mà thôi (nhất là với những vụ tai nạn giao thông tử vong tại hiện trường).
Nói về nguyên nhân, theo ông Hoàng Doãn Đông, đó là do nhận thức của các ngành, cấp về bản chất, vai trò, ý nghĩa của công tác giám định còn rất nhiều hạn chế, dẫn tới sự phối hợp thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó là hệ thống pháp luật cho công tác giám định, hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức thực hiện giám định chưa được bảo đảm…
Xuân Hoa