Về vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu ở hai cơ sở giết mổ gia súc tại Tân Phú Trung, Củ Chi và Xuân Thới Sơn, Hóc Môn; hai cơ sở này có hành vi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân xung quanh.
Chi tiền cho nước thải từ ao ra… đồng cỏ
Thời gian gần đây, việc các cơ sở giết mổ heo tự phát tại khu dân cư thuộc ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi gây ô nhiễm môi trường, nổi bật là cơ sở giết mổ Tân Phú Trung (lò giết mổ Tân Phú Trung) do bà Mai làm chủ cơ sở.
Hàng ngày, từ 12h đêm đến rạng sáng ngày hôm sau, cơ sở này giết mổ khoảng từ 200 - 220 con. Tuy nhiên, hệ thống nước thải không được xử lý bằng bất kì phương pháp nào, tất cả lượng nước sau khi sử dụng trong quá trình giết mổ đều thải trực tiếp ra hồ nước phía trước “lò” mổ.
Phóng viên đã xâm nhập vào cơ sở của bà Mai để điều tra rõ thực, hư vụ việc này. Tại đây, phóng viên nhận thấy phía trước “lò” mổ là một ao nước nhỏ bốc mùi hôi thối, nước đen kịt. Mùi hôi thối nồng nặc từ ao nước này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân xung quanh, gây tổn hại đến sức khỏe của người già, trẻ em.
Theo phản ánh của người dân, vào mỗi buổi sáng sớm sẽ có một chiếc xe máy cày gắn rơ-moóc, kéo một bồn nước khoảng từ 5 - 7 khối nước, hút nước từ ao này đến khu vực đồng ruộng trồng cỏ cho bò cách cơ sở này khoảng 3 - 4 km xả nước thải vào ruộng một cách công khai.
Bằng mắt thường có thể thấy đây không phải là loại phân vi sinh có thể được sử dụng để tưới cỏ cho bò ăn hay làm tốt cho đất đai ruộng đồng ở đây.
Theo nguồn tin chúng tôi nhận được từ một người bảo vệ tại cơ sở này thì mỗi tuần cô Mai phải đóng tiền hút nước bẩn ở ao 7 triệu đồng cho người lái máy cày hút nước này và 100.000 đồng/lần cho chủ ruộng cỏ.
Trong khi UBND TP HCM đã có chỉ đạo các chủ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải tập trung về một nơi có quy hoạch rõ ràng và phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường phải đạt chuẩn. Tuy nhiên, cơ sở Tân Phú Trung lại không hề đáp ứng được tiêu chuẩn nào, xử lý chất thải một cách tạm bợ, gây ô nhiễm nặng cho môi trường để thu lợi cá nhân.
Người dân nơi đây cũng cho biết, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối từ cái ao này càng bốc lên khó chịu hơn. Và đã một thời gian dài, UBND huyện Củ Chi cũng không có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Liệu UBND xã Tân Phú Trung, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Công an huyện Củ Chi có biết việc này hay không?! Và với một cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải như cơ sở Tân Phú Trung thì liệu có được cấp giấy phép hoạt động hay không?
Nước thải từ cơ sở giết mổ Tân Phú Trung được thải ra ao và được hút vào bồn chứa để đổ ở nơi khác. |
Nhờ “quan hệ tốt” nên gây ô nhiễm không bị xử lý?!
Chưa hết, đi sâu hơn tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên xâm nhập vào cơ sở giết mổ Xuân Thới Sơn tại gần ngã tư Hóc Môn, huyện Hóc Môn. Từ ngã tư An Sương đi xuống đến ngã tư Hóc Môn, rẽ vào khoảng 1km, chỉ cần hỏi thăm người dân là ai cũng biết đến cơ sở giết mổ này, bởi đây cũng là khu dân cư đông đúc.
Theo tìm hiểu, bắt đầu từ khoảng 14 - 15 giờ trở đi, các xe chở heo đổ về đây cho đến tối, ước tính khoảng 300 - 400 con heo được đem đến đây để giết mổ. Số lượng heo giết mổ mỗi ngày lớn như vậy nhưng hệ thống xử lý nước thải ở đây lại rất sơ sài, tạm bợ, không theo quy chuẩn nào cả.
Theo nguồn tin từ người dân xung quanh, chủ thầu của cơ sở này là Ba Giàu - một trong những người có quan hệ rất tốt với cơ quan huyện Hóc Môn. Phải chăng vì vậy mà dù hệ thống xử lý nước thải và việc bảo vệ môi trường ở đây rất kém nhưng cơ sở vẫn có thể hoạt động?
Nước thải từ quá trình giết mổ của cơ sở này chảy trực tiếp ra ruộng, không qua một quy trình xử lý nào, những lúc trời mưa lại tràn ra những khu vực khác.
Đằng sau cơ sở này là một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm nên dường như toàn bộ lượng nước thải đều thải ra khu vực này, gây ô nhiễm trầm trọng, nước thải đọng lại lênh láng và đen kịt, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Nước thải từ cơ sở giết mổ Tân Phú Trung được thải ra ao và được hút vào bồn chứa để đổ ở nơi khác. |
Được biết, chủ cơ sở Xuân Thới Sơn trước đây đã có chi tiền khoan giếng cho một số hộ dân xung quanh sử dụng, nhưng đến nay những giếng nước này đã không còn sử dụng được do ô nhiễm từ lò mổ thẩm thấu xuống mạch nước ngầm. Người dân vì lo cho sức khỏe nên không tiếp tục sử dụng.
Vấn đề đặt ra là không biết các cơ quan chức năng của huyện Hóc Môn có biết đến tình trạng này hay không mà lại để cho cơ sở giết mổ Xuân Thới Sơn bất chấp những văn bản của UBND TP HCM về quy hoạch các lò mổ tập trung và quy định xử lý nước thải để hoạt động như vậy?
Trong khi, Nhà nước vẫn luôn khuyến khích các cơ sở xây dựng kiên cố, xây dựng hệ thống xử lý nước thải hợp lý cũng như xây dựng cơ sở vật chất để hoạt động có hiệu quả.
Chúng tôi tìm hiểu những người có hiểu biết về vấn đề này và những người làm công tác trong lĩnh vực kỹ thuật về xử lý chất thải, thì mỗi một cơ sở giết mổ tập trung muốn đầu tư hệ thống xứ lý nước thải thì cần đầu tư khoảng 5 - 7 tỷ đồng. Khi nước thải đã được xử lý, cần được lọc trong bồn chứa có hóa chất một thời gian nhất định mới có thể xả ra môi trường.
Có như vậy mới có thể đảm bảo an toàn môi trường nước, không gây ô nhiễm môi trường.
Nếu mỗi cơ sở, doanh nghiệp đều có thể đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng những cơ sở có quy mô và đảm bảo theo đúng quy định xử lý nước thải của TP thì việc những cơ sở như 2 cơ sở trên tồn tại gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư, cạnh tranh không lành mạnh với những cơ sở đúng chuẩn khác là không thể xảy ra, những bất cập về vấn đề này cũng không còn tồn tại.
Người dân mong muốn các cơ quan chức năng huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn sớm vào cuộc, làm theo chỉ đạo của UBND TP HCM điều tra làm rõ vụ việc, trả lại môi trường sống an toàn cho người dân.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.