Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát, cuộc thi “Chúng tôi là KSV” được diễn ra từ 1/6/2016-20/8/2016 với sự tham gia của 911 đội chơi đến từ 93 Viện kiểm sát (VKS) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, VKSNDTC, VKS Quân sự TƯ, VKS Quân sự cấp quân khu. Sau khi trải qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo, Ban giám khảo đã tìm ra 4 đội xuất sắc nhất tham dự gala chung kết toàn quốc gồm các đội đến từ: Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy, VKSNDTC; VKS Quân sự Thủ đô Hà Nội; VKSND tỉnh Bình Định và VKSND tỉnh Bắc Ninh.
Với nội dung đổi mới, cuộc thi 2016 đã tạo nên tinh thần sôi nổi, nghiên cứu học tập đến toàn thể cán bộ, công chức ngành Kiểm sát, từ đó triển khai áp dụng luật vào thực tiễn đạt hiệu quả. Thông qua đó, mong muốn người dân có thể thấu hiếu và chia sẻ với khó khăn, vất vả cho công việc của những người làm trong ngành Kiểm sát. Đồng thời, cuộc thi cũng nhằm khơi dậy lòng tự hào của toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong ngành Kiểm sát, nâng cao vị thế của ngành Tư pháp nói chung và VKSND nói riêng trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phát biểu khai mạc, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi Trần Công Phàn nêu rõ: “Ngành Kiểm sát đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đổi mới trong tổ chức và hoạt động của mình nhằm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật. Tiếp nối thành công năm 2015, năm nay, VKSNDTC tiếp tục tổ chức Cuộc thi với chủ đề “Tìm hiểu nghiên cứu và phổ biến về Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015”.
Thông qua cuộc thi, giúp nhân dân hiểu được trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và VKS nói riêng trong việc tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013, đồng thời giúp họ nâng cao nhận thức về pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng và nền pháp chế XHCN. Ngoài ra, cuộc thi còn góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm nhưng cũng hết sức gần gũi với người dân”.
Ngay sau đó, Gala chung kết đã diễn ra đầy sôi nổi, gay cấn giữa 4 đội thi với 3 phần thi. Ở phần thi đầu tiên mang tên “Khởi động”, mỗi đội thi lần lượt trả lời một gói gồm 5 câu hỏi dưới dạng đúng/sai, mỗi câu trả lời đúng được 20 điểm, điểm tối đa ở phần thi này cho mỗi đội là 100 điểm.
Tiếp đó, phần thi “Dân hỏi - VKS trả lời” gồm có 2 video tình huống do người dân đặt ra, với mỗi tình huống cả 4 đội chơi sẽ có 90 giây để suy nghĩ và viết ra câu trả lời, tổng số điểm tối đa cho mỗi đội ở phần thi này là 120 điểm. Đây là phần thi ý nghĩa, gắn liền tới các vướng mắc, quyền lợi của người dân, do đó ngoài vận dụng các kiến thức pháp luật, các đội thi còn phải áp dụng linh hoạt kinh nghiệm thực tiễn thì mới có thể đưa ra đáp án chuẩn xác.
Sau hai phần thi, các đội có sự bám đuổi quyết liệt về điểm số, do vậy vòng thi cuối cùng có tên “Người bảo vệ pháp luật” mang tính quyết định đội sẽ giành chức vô địch. Với 8 câu hỏi dạng lựa chọn đáp án đúng, các đội có tối đa 5 giây suy nghĩ sau đó bấm chuông trả lời, đúng được 20 điểm, sai bị trừ 10 điểm và các đội còn lại có quyền trả lời, tổng số điểm tối đa là 160 điểm.
Trải qua 7 câu hỏi, không khí cuộc thi trở nên vô cùng cam go khi có 3 đội bằng điểm nhau. Nhờ nhanh tay bấm chuông, đội VKSND tỉnh Bắc Ninh đã giành được quyền trả lời và xuất sắc ghi điểm ở câu thứ 8 để giành chức vô địch, đội Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy, VKSNDTC giành giải Nhì, 2 giải Ba được trao cho đội VKSND tỉnh Bình Định và VKS Quân sự Thủ đô Hà Nội.