Gấp rút hoàn thành chấm thi tốt nghiệp THPT đợt 1

Theo kế hoạch, điểm thi THPT đợt 1 sẽ công bố vào ngày 26/7. (Ảnh minh họa)
Theo kế hoạch, điểm thi THPT đợt 1 sẽ công bố vào ngày 26/7. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Công tác chấm thi đợt 1 kỳ thi THPT 2021 đang gấp rút hoàn thành. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi - đề nghị các địa phương tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt việc chấm thi, không lơ là, chủ quan dù ở khâu cuối cùng.

Đảm bảo quyền lợi thí sinh

Kiểm tra công tác chấm thi tại một số tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, với những tình huống phát sinh trong quá trình chấm, khi xử lý, phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi thí sinh.

Việc chấm bài trắc nghiệm phải đảm bảo an toàn, chặt chẽ trong từng công đoạn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần tăng cường triển khai, trên tinh thần hỗ trợ, tư vấn kịp thời, giúp công tác chấm thi đạt hiệu quả, chất lượng, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ông Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, lưu ý khâu chấm kiểm tra phải bảo đảm theo tiến độ chấm để nếu có hiện tượng bất thường thì phát hiện và chỉnh sửa ngay, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc mất điểm.

Với chấm thi trắc nghiệm, ông Hồng lưu ý: “Bước duy nhất có thể can thiệp vào chấm thi trắc nghiệm là sửa lỗi thông tin trong phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh vì đây là khâu phải can thiệp bằng tay. Do vậy, cần giám sát thật chặt khâu sửa lỗi để tránh tuyệt đối những vi phạm trong chấm thi trắc nghiệm”.

Ông Bùi Văn Xuân - Trưởng môn chấm tự luận hội đồng thi tỉnh Yên Bái, cho biết: “Yên Bái có hơn 8.000 bài thi môn Ngữ văn, huy động 80 giám khảo, trung bình mỗi giám khảo chấm khoảng 200 bài thi (2 vòng). Dự kiến ngày 20 - 22/7 Yên Bái sẽ hoàn thành việc chấm thi môn Ngữ văn”.

Được biết, ngày 12/7, Yên Bái bắt đầu chấm thi môn ngữ văn. Ngay khi việc chấm chung 10 bài để đi đến thống nhất theo hướng dẫn chấm thi cũng đã có phát sinh những tình huống cần thảo luận kỹ.

“Trên thực tế với môn văn, học sinh thậm chí có thể viết hay hơn đáp án, không giống hoàn toàn với đáp án nên giáo viên chấm thi phải ghi nhận và có đánh giá xác đáng với những bài làm như vậy”, ông Xuân nói.

Trước các ý kiến tỏ ra lo ngại đáp án môn văn quá “đóng”, có thể gây thiệt thòi cho học sinh có tính sáng tạo, có suy nghĩ riêng, ông Xuân khẳng định: “Giám khảo chấm thi dựa vào hướng dẫn chấm mà Bộ GD-ĐT ban hành chứ không dựa vào đáp án. Đáp án ngắn gọn, nếu đọc đáp án thì cảm giác bị đóng nhưng hướng dẫn chấm thì lại rất mở, cho phép cán bộ chấm thi có thể vận dụng tối đa để đảm bảo quyền lợi cho học sinh”.

Nguyên tắc “3 tại chỗ”

Tại 11 tỉnh phía Nam và Tây Nguyên gồm: TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng, Gia Lai, Long An, Kom Tum, cùng với căng mình chống dịch, công tác chấm thi tại các địa phương đang gấp rút hoàn thành.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Lê Hoài Nam cho biết, song song với các Ban chuyên môn như Ban làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm… TP HCM còn thành lập Ban phòng chống COVID-19 để kiểm soát, phòng chống dịch cho tất cả đội ngũ giám khảo, cán bộ, nhân viên tham gia chấm thi được yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu chấm thi, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đều được xét nghiệm COVID-19. Hoạt động xét nghiệm này đều đặn tiến hành 5 ngày/lần, để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh.

Khi TP HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, Hội đồng thi của Sở đã chia nhỏ Ban chấm thi thành 20 tổ, mỗi tổ không quá 10 người để đảm bảo giãn cách. Các tổ chấm chia ca, tổ chức chấm lệch giờ để tránh tập trung đông người.

Tỉnh Đồng Nai hiện cũng là điểm nóng về dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, địa phương này đã trưng dụng một khu vực độc lập để tổ chức chấm thi và làm nơi ở tập trung trong suốt thời gian chấm thi cho tất cả lực lượng tham gia công tác này. Trước đó, tất cả nhân sự chấm thi đều được xét nghiệm Covid-19, đảm bảo an toàn mới tham gia làm nhiệm vụ.

Nguyên tắc 3 tại chỗ - chấm thi, ăn, nghỉ tại chỗ cũng được Hội đồng thi Sở GD-ĐT Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng. Theo đó, 176 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và công an tham gia làm nhiệm vụ trong các ban chấm thi của Bà Rịa - Vũng Tàu, gần 200 cán bộ của Long An, đều được xét nghiệm COVID-19.

Trong suốt quá trình chấm thi tập trung, lực lượng này thực hiện ăn nghỉ cách ly và chỉ rời khu chấm khi công tác chấm thi đã hoàn tất. Trước khi ra về, cán bộ, giáo viên, nhân viên được xét nghiệm lại COVID-19 để đảm bảo không có nguồn dịch lây trong cộng đồng.

Trong số 11 Hội đồng thi trên, TP HCM có số lượng bài thi đông nhất với 87.668 bài tự luận Ngữ văn, hơn 420.000 bài trắc nghiệm. Dự kiến, Hội đồng thi sẽ hoàn thành công tác chấm chậm nhất vào ngày 24/7. Hiện nhiều Sở GD-ĐT trong 11 tỉnh này đã đề xuất tổ chức thi đợt 2 vào đầu tháng 8.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, sau khi Bộ thống nhất với các địa phương và chốt thời điểm thi chính thức, các Hội đồng thi tiếp tục chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tổ chức thi đợt 2 đảm bảo an toàn về dịch, an toàn Quy chế, trên tinh thần nhân văn, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Văn phòng Chính phủ vừa gửi công văn tới Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc tổ chức đợt thi tiếp theo của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo nội dung công văn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, căn cứ tình hình dịch COVID-19 lập kế hoạch cụ thể tổ chức đợt thi tiếp theo của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021, bảo đảm an toàn, quyền lợi của thí sinh và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần rà soát, tạo điều kiện để các thí sinh không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác nhau (trừ trường hợp gian lận) được dự thi ở đợt thi tiếp theo.

Hiện hơn 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh, thành phố chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Các thí sinh này thuộc diện F0, F1, F2 hoặc đang cư trú ở địa bàn cách ly, phong tỏa do ảnh hưởng của dịch. An Giang là tỉnh có số lượng thí sinh mong muốn dự thi đợt 2 nhiều nhất, tiếp đến là Đồng Tháp, Bình Định, TP HCM.

Tin cùng chuyên mục

Trước kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh “quay cuồng” tham gia hàng loạt kỳ thi để mong có một suất vào đại học sớm. (Ảnh: PV)

Sỹ tử lớp 12 quyết tâm đạt kết quả thi tốt nhất

(PLVN) - Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024. Đây là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, dự kiến năm sau có nhiều thay đổi. Điều này khiến các “sĩ tử” quyết tâm đạt được kết quả tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

Đọc thêm

'Thổi hồn' vào thư viện trường học

Nhiều trường học ở Việt Nam đã áp dụng các mô hình thư viện mới để thu hút học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: lamdong.gov.vn)
(PLVN) - Công nghệ thông tin phát triển, những thú vui trên mạng xã hội khiến học sinh không còn mặn mà với những thư viện truyền thống nữa. Hiện nay, nhà trường và ngành Giáo dục đang có những nỗ lực đổi mới sáng tạo các mô hình, hoạt động ở thư viện, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?