Gặp người đàn ông 23 năm "mang thân phận" bị can

Gặp người đàn ông 23 năm "mang thân phận" bị can
(PLO) - Sau 23 năm kêu oan, ngày 31/3/2014 vừa qua, Công an TP.Cần Thơ mới kí quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Lê Văn Chuẩn. Căn cứ đình chỉ được nêu: do“chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”.

Suốt 23 năm, ông Lê Văn Chuẩn (SN 1955, ngụ khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) đã làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng để đòi trả lại sự trong sạch cho mình.
Khởi tố một đằng, đình chỉ một nẻo
Ngày 17/12/1991, VKSND huyện Thốt Nốt đã kí quyết định khởi tố ông Lê Văn Chuẩn (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, huyện Thốt Nốt, tỉnh Hậu Giang cũ) tội danh “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản XHCN” (theo điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1985).  Hai tuần sau đó, ông Chuẩn bị công an huyện bắt giam với thời hạn 60 ngày. 
Ông Chuẩn nhớ lại, nguyên nhân ông bị bắt giam là vì trong hai năm 1988 và 1989, xã Thạnh Lộc có chủ trương thu thuế nông nghiệp để giao lúa cho Cục Dự trữ Quốc gia. Tuy nhiên khi  phát hiện lúa tồn kho bị ẩm, người của  Cục không nhận. Số lúa này được giao lại cho Phòng Tài chính huyện quản lý để bán, lấy tiền nộp cho Cục. 
Vào thời điểm đó, nhiều hộ dân trên địa bàn xã thiếu lúa ăn nên Ban lãnh đạo UBND xã đã họp và thống nhất vay số lúa nói trên để giải quyết khó khăn, sau này sẽ trả lại cho Phòng Tài chính huyện. Những người đến kho vay lúa phải có giấy giới thiệu của UBND xã, đồng thời phải ký nhận vào giấy giới thiệu để thủ kho lưu trữ làm chứng từ.
Riêng ông Chuẩn, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã, đã tới kho vay hơn 23 ngàn ki lôgam lúa nhưng không có chứng từ nhận, không báo cáo với UBND xã. Bởi vậy, khi Phòng Tài chính huyện thanh lý kho thì số lúa mà ông đã vay không có đủ chứng từ để chứng minh và không quyết toán được. Bên cạnh đó, ông Chuẩn còn nợ quá hạn của nhiều đơn vị khác, cụ thể là Công ty Lương thực huyện 4,3 triệu đồng; ngân hàng 3,7 triệu đồng; thuế khoán 540kg lúa; thuế đất hợp đồng 2,5 tấn lúa.  
Đầu tháng 8/1990, UBND huyện chỉ đạo xã họp kiểm điểm, kỷ luật, khai trừ ông Chuẩn khỏi Đảng. Một năm sau ông bị bắt giam. Vào tù một thời gian, ông Chuẩn bị bệnh nặng rồi được trả về nhà, không nhận được bất kỳ quyết định nào. 
Ông Chuẩn nhớ lại: “Đầu tháng 11/1992, tôi đến Công an huyện khiếu nại việc mình bị oan sai. Lúc đó điều tra viên mới trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án bị can ở tội “Tham ô tài sản XHCN” (theo Điều 133, chứ không phải Điều 135 như khởi tố ban đầu) và chuyển sang xử lý hành chính. Từ đó đến nay, tôi luôn thắc mắc vì tội danh trong quyết định đình chỉ không có trong quyết định khởi tố, không có trong lệnh bắt giam và không hề có kết luận điều tra”.
Ngoài ra, ông Chuẩn còn cho rằng ông không tham ô, không lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản XHCN. Bởi vậy suốt nhiều năm sau đó, ông liên tục làm đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan chức năng, yêu cầu ra quyết định đình chỉ vụ án, bị can đúng tội danh đã khởi tố. Năm 2006, VKSND quận Thốt Nốt đã có văn bản trả lời ông Chuẩn, trong đó thừa nhận có sai sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng do cán bộ điều tra đã… ghi nhầm. Bên cạnh đó, VKS cũng thừa nhận thiếu sót của lãnh đạo công an huyện đã không kiểm tra kỹ lưỡng trước khi ký quyết định; thiếu sót của Kiểm sát viên kiểm sát điều tra.
Sống trong “nhà tù” cuộc đời  
Nhớ lại những ngày tháng trong tù, ông nói: “Vào trại giam một thời gian thì tôi bị cảm và sốt. Không rõ người ta vô tình hay cố ý mà cho tôi uống thuốc xổ gây mất nước, khiến sức khỏe tôi sa sút nghiêm trọng. Rất may là bạn tù phát hiện kịp thời nên tôi thoát chết. Sau đó trại giam thông báo cho gia đình tôi tới đưa về nhà. Ra khỏi trại giam mà không có một mẩu giấy, nếu bị ai đó vu khống là vượt ngục trở về, tôi cũng khó biện minh”.
Sau khi được trả tự do, quay về với cuộc sống đời thường, ông phải hứng chịu rất nhiều lời dị nghị, nhiều ánh mắt coi thường, nhiều lời bàn tán khó nghe. Mọi thứ xung quanh ông bị đảo lộn hoàn toàn, không bạn bè, không hàng xóm… Khi ra đường, gặp ai ông cũng có cảm giác họ đang hướng ánh mắt soi mói, khinh rẻ về phía mình. Con cái ông cũng bị ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống, học tập, công việc.
Ông cho biết: “Bản thân tôi bị khai trừ khỏi Đảng, mất việc, mất niềm tin, mất phương hướng và  mang tiếng xấu đã đành. Đau lòng hơn, các con của tôi cũng chẳng kiếm được một công việc tử tế vì cha chúng nó mang tiếng xấu”.
Giải thích về “nỗi oan” của mình, ông cho rằng: “Kết luận điều tra của Công an Cần Thơ cho rằng tôi vay 23 ngàn kilôgam lúa trong kho, không có chứng từ để quyết toán là không đúng. Khi tôi vay, thủ kho có đưa chứng từ, lúc trả nợ đã thu lại. Việc vay lúa cũng không cần phải có ý kiến của Ban lãnh đạo UBND xã, bởi vì xã không phải là chủ tài sản này và cũng không có quyền định đoạt. Lúa thuộc Công ty Lương thực đang bị ẩm ướt trong kho nên rất cần giải phóng sớm, tránh thiệt hại kéo dài. Mặt khác, lúa này thì ai cũng vay được, kể cả là người dân”.
Về những khoản nợ quá hạn, ông Chuẩn cho biết: “Riêng 4,3 triệu đồng nợ Công ty Lương thực, tôi đã trả trước lúc tôi bị bắt một năm (tức vào ngày 31/05/1990, còn lưu chứng từ). Khoản nợ ngân hàng 3,7 triệu là giao dịch dân sự, đã có tài sản để phát mãi thu hồi vốn. Thuế nông nghiệp trong hợp đồng thuê đất để mở tăng vụ thì có ghi rõ “thuế xã chịu” , do tôi bỏ vốn cải tạo đất cho xã, đến lúc chấm dứt hợp đồng thì xã có lợi, đất được đưa lên tăng vụ”.
Bình luận về vụ việc, một Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, rất khó để xác định ông Chuẩn có oan hay không, vì sự việc đã xảy ra quá lâu, việc đánh giá oan hay không phải xem xét kỹ hồ sơ tài liệu, lời khai của nhân chứng. Tuy nhiên trong vụ án này, có một điều rất rõ ràng: Cơ quan tố tụng đã làm sai quy trình mới xảy ra câu chuyện khởi tố một đằng, đình chỉ một nẻo, khiến người dân 23 năm chịu thân phận bị can./.

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.