“Cô gái làng Đỏ” bắn rơi máy bay
Tròn 50 năm sau ngày bắn hạ máy bay của Mỹ, cô dân quân Nguyễn Thị Dần (SN 1950, ngụ phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An) ngày nào giờ đã lên chức bà. Khớp xương đau nhức khiến bà phải đi cà nhắc, sức khỏe giảm sút. Dù vậy, ký ức về thời cầm súng, nhất là kỷ niệm bắn rơi máy bay Mỹ vẫn được bà nhớ rõ từng chi tiết.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất được mệnh danh là “làng Đỏ” – nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ từ những năm 1930 nên từ nhỏ cô gái Nguyễn Thị Dần luôn sôi sục ý chí tham gia kháng chiến. Mới 14 tuổi 1 tháng, Dần đã tham gia vào đội thanh niên chống Mỹ cứu nước của địa phương. Đến năm 1967, khi vừa tròn 17 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Dần xung phong vào Trung đội dân quân trực chiến phòng không xã Hưng Dũng (nay là phường Hưng Dũng, TP Vinh).
Từ nguyên mẫu cô dân quân Nguyễn Thị Dần, trong một lần gặp gỡ, nhạc sĩ Nguyên Nhung đã sáng tác ca khúc “Cô dân quân làng Đỏ”. Những ca từ tái hiện hình ảnh rực sáng của các nữ dân quân trực chiến phòng không đã đi vào lòng người: “…Ngày theo vết đường cày, đêm về xây đường đắp ụ, nắng dù sém má em, mưa gió dãi dầu lòng vẫn vui như pháo hoa đỏ rọi, đánh thắng quân thù trên mảnh đất quê hương. Hỡi cô gái thân thương anh dũng kiên cường…”.
Trung đội gồm 11 thành viên (phần nhiều là nữ) có trách nhiệm phục kích, trực chiến, hợp đồng chiến đấu với bộ đội và lực lượng phòng không của Thành đội Vinh chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Với một khẩu 12 ly 7 và một số vũ khí khá đơn giản khác, trung đội có nhiệm vụ bảo vệ các trọng điểm như phà Bến Thủy, nhà máy điện, kho xăng... Với tinh thần trực chiến cao, Dần cùng đồng đội nhiều hôm không kịp ăn cơm, nhiều tuần không về thăm nhà.
Những năm 1967-1968, khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ác liệt, nhiệm vụ của trung đội càng nặng nề. Nắm rõ điều đó, cô gái trẻ cùng đồng đội luôn trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 13/6/1968, bộ đội phòng không bắn hạ được một chiếc máy bay Mỹ, viên phi công nhảy dù xuống lẩn trốn đâu đó khu vực sông Lam chờ máy bay giải cứu. Các lực lượng dân quân quyết tâm bắt sống tên giặc lái. Để giải cứu phi công, lúc đó Mỹ huy động nhiều máy bay liều lĩnh bay sát bờ sông Lam, rải bom xuống các trận địa. Trung đội của Nguyễn Thị Dần sát sao yểm trợ cho các du kích bắt sống giặc lái Mỹ. Gặp lưới lửa của bộ đội chủ lực và lực lượng dân quân trực chiến phòng không Hưng Dũng, toán máy bay Mỹ đành phải nâng độ cao rồi tháo chạy. Tên giặc lái sau đó bị bắt sống.
Nữ dân quân “làng Đỏ” Nguyễn Thị Dần những năm 1968 |
Những trận đánh như thế giúp cô dân quân càng có thêm kinh nghiệm trận mạc. Đúng 17h30 ngày 25/7/1968, khi trung đội bố trí hỏa lực ở khu vực ga Vinh bảo vệ địa điểm quan trọng này thì một tốp hai chiếc F4H đến bổ nhào bắn phá. Là xạ thủ số 1 nên khi thấy chiếc máy bay đi đầu bổ nhào, Dần bỏ qua vì biết chắc bắn lúc này sẽ bị lộ vị trí, chờ chiếc thứ hai ném bom vào trận địa. Dần nín thở chờ cho chiếc thứ hai nhào xuống thật sâu cắt bom mới trút căm thù vào cò súng. Loạt liên thanh 15 phát đã hạ gục chiếc máy bay của Mỹ. Chiếc máy bay bùng cháy, chao đảo, đâm thẳng xuống khu vực xã Nghi Phú (TP Vinh) vỡ tan. “Hạnh phúc quá. Tôi còn ngây người ra thì đồng đội đã nhảy xuống công sự ùa tới ôm tôi thi nhau hét: “Dần ơi, bắn rơi máy bay rồi”. Chúng tôi ôm nhau khóc vì vui mừng, hạnh phúc”.
Sau trận bắn rơi máy bay đó, Nguyễn Thị Dần tiếp tới 17 đoàn nhà báo từ nhiều nước đến tìm hiểu. Cho đến bây giờ, bà vẫn nhớ câu nói của một nhà báo nước ngoài rằng: “Đất nước chúng tôi sau 20 năm nữa có được một nữ anh hùng như thế này không?”.
Năm 1971, cô gái trẻ được Quân ủy Trung ương cho đi cùng đoàn công tác sang thăm các nước XHCN. Bà kể, lúc đó chỉ là cô gái 21 tuổi nên trước khi lên đường cả tháng đã được các cán bộ tập cách ăn nói, đi đứng. “Lần đầu tiên được đi máy bay nên “say xe”, nhưng khi sang đến nơi, được nhận sự đón tiếp của nước bạn, mọi mệt mỏi qua nhanh”, bà nhớ lại.
Dần được mời đi tham quan nhiều nơi. Một vị lãnh đạo cấp cao nước bạn hỏi tại sao nữ du kích Việt Nam mà không mang theo súng, Dần thật thà: “Ở đây là một đất nước hòa bình nên tôi không cần phải mang theo súng. Còn ở đất nước tôi, những dân quân du kích phải luôn sẵn sàng chiến đấu, dù là khi sản xuất hay khi ngủ...”. Lời khen ngợi phụ nữ Việt Nam anh hùng, xinh đẹp khiến bà rất vui. Bà tâm sự, hơn hai tháng được tham quan các nước XHCN là quãng thời gian nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc đời, bồi đắp thêm lý tưởng cách mạng để trở về quê hương phục vụ tốt hơn nhân dân, Tổ quốc.
Đơn vị nữ dân quân thu gom xác máy bay Mỹ bị bắn rơi |
Kiên cường giữa thời bình
Giặc Mỹ kết thúc chiến tranh phá hoại, cô dân quân Nguyễn Thị Dần chuyển sang làm cán bộ hộ tịch - hộ khẩu rồi Xã đội phó phụ trách chính sách, Văn phòng Đảng ủy xã Hưng Dũng. Năm 21 tuổi, Nguyễn Thị Dần trở thành đại biểu HĐND trẻ nhất tỉnh Nghệ An.
Với năng lực, nhiệt huyết của người cán bộ trẻ, Nguyễn Thị Dần được cấp trên tin tưởng, giữ nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền xã Hưng Dũng. Năm 1982, bà là Ủy viên thư ký Ủy ban Nhân dân. Từ năm 1986 -1996, bà đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Hưng Dũng.
Kết thúc những nhiệm kỳ làm chủ tịch, bà được cử đi học nâng cao nghiệp vụ để bố trí công tác khác. Cũng trong năm đó, chồng bà đột ngột ra đi sau một vụ tai nạn. Khoảng thời gian khổ cực, vất vả ấy vẫn không thể làm khó người phụ nữ kiên cường. Một mình bà gắng gượng vừa học, vừa thay chồng chăm người mẹ già hơn 80 tuổi và bốn đứa con đang tuổi ăn học.
Nhưng oái ăm thay, khi vừa hoàn thành chương trình học thì bà nhận được tin không thể bố trí công tác mới vì theo quy định chưa đáp ứng được yêu cầu. Buồn, nhưng rồi bà vẫn lặng lẽ chấp nhận, làm nhiều công việc khác mưu sinh để nuôi dạy con cái.
Bà Dần nay 68 tuổi, sống yên bình vui vầy bên con cháu |
Điều an ủi là sau đó, bà được công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cùng với hai đồng đội. Khi Nhà nước có chính sách cho dân quân du kích trực tiếp chiến đấu, bà đi giám định thương tật. Với tỷ lệ thương tật 29%, bà được cấp thẻ thương binh 4/4, được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Kiên cường nhưng khiêm nhường từ lúc đôi mươi, đến khi về hưu, bà vẫn tiếp tục hoạt động, phục vụ chính quyền, người dân. Nhiều năm liền bà đảm nhiệm chức vụ Bí thư khối. Bà tâm sự, nếu có sống nhiều cuộc đời nữa cũng không hối hận về những gì đã làm, cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Suốt cuộc đời sống với tinh thần đó, bà luôn dạy bảo con cháu phải trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, đất nước.