Tính đến nay Nghị định 139 quy định xử phạt hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng đã triển khai 3 năm. Theo phản ánh của các địa phương, việc tổ chức thực hiện Nghị định bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết, tổng hợp sơ bộ có 7 nhóm vướng mắc. Trong đó, có những vướng mắc về việc Nghị định 139 không quy định mức phạt theo tỷ lệ hoặc mức độ sai phạm dẫn đến khó khăn trong xử lý; Khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm hành chính để xử phạt khi công trình xây dựng sai giấy phép xây dựng và sai cả quy hoạch; Khó xử lý vi phạm với chủ đầu tư hiện nay nhận tiền ứng trước, đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ với khách hàng…
Việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của Chánh Thanh tra Sở trên thực tế rất khó khăn do không đủ nhân lực, chi phí; việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền với ban quản trị nhà chung cư, do không phải là pháp nhân độc lập, không có tiền hoặc tài sản riêng, nên ban quản trị sẽ sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của cư dân để đóng tiền phạt …
Tại hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM Trương Công Nam đã nêu một số khó khăn khi thực hiện Nghị định tại địa bàn, trong đó có vấn đề về xây dựng chung cư mini, nhà 3 chung.
Ông Nam cho biết, hiện trên địa bàn TP xuất hiện một số trường hợp người dân xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (có quy mô, diện tích lớn), tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư tự ý ngăn chia thành nhiều phòng thành chung cư mini hoặc phân thành nhiều căn nhà để kinh doanh. Đối chiếu với Điều 98 Luật Xây dựng, nhận thấy hành vi ngăn chia bên trong công trình không làm thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính thì không xem là hành vi sai phép.
Như vậy, để ngăn chặn, xử lý hành vi xây dựng chưng cư mini, xây dựng nhà 3 chung thì phải áp dụng quy định nào? Nếu không có quy định chặt chẽ, loại hình này sẽ tiếp tục phát triển, làm phá vỡ quy hoạch do tăng mật độ dân cư cục bộ.
Trong khi đó, Sở Xây dựng Bình Dương đề nghị cụ thể hóa cách tính giá trị xử lý với trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu lại số lợi bất hợp pháp. Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm các khái niệm, các từ ngữ còn có sự hiểu không giống nhau hoặc chưa có quy định tại các văn bản pháp luật liên quan như: Cách xác định “ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng”; làm rõ về công trình lắp ghép di động, container; “công trình khác”…
Nói về các nhóm vướng mắc của địa phương, ông Lê Văn Lãng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng phụ trách phía Nam, tổng kết có 5 nhóm kiến nghị, gồm: Kiến nghị liên quan đến quy định chung (về mức độ xử phạt, khung xử phạt, xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt…); Kiến nghị liên quan đến quy định trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng; Kiến nghị liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản; Kiến nghị liên quan đến quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm, quy trình xử lý vi phạm hành chính; Kiến nghị liên quan đến các quy định cần được nghiên cứu, lấy ý kiến thảo luận tại hội nghị.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, những ý kiến này sẽ được tiếp thu một cách cẩn trọng, đúng quy định pháp luật để sau đó đưa vào sửa đổi Nghị định 139, nhằm tiếp tục đảm bảo được nguyên tắc các hành vi được phủ kín, phân loại hành vi vi phạm, mức xử phạt phải có tính răn đe và có tính khả thi cao trên thực tiễn.
“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội nghị để lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các Hiệp hội… Dự kiến khoảng cuối quý I/2021, Thanh tra Bộ sẽ báo cáo lên Bộ trưởng, thực hiện theo đúng trình tự quy định xây dựng văn bản vi phạm pháp luật”, ông Tuấn nói.
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, từ năm 2018 đến ngày 15/12/2020, các đơn vị chức năng ngành Xây dựng đã kiểm tra và lập hồ sơ xử lý với 18.125 trường hợp, xử phạt 12.152 trường hợp với tổng số tiền trên 540 tỷ đồng; cưỡng chế thi hành 4.113 trường hợp vi phạm. Trong đó, 19 Sở Xây dựng các tỉnh phía Nam đã kiểm tra và xử lý 5.466 trường hợp vi; xử phạt 3.664 trường hợp với số tiền trên 170 tỷ đồng; cưỡng chế thi hành 1.032 trường hợp vi phạm.