Gạo nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan vào Mỹ bị phát hiện nhiễm chì ở mức độ cao hơn ngưỡng an toàn nhiều lần, có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ em.
Ảnh minh họa |
Thông tin nói trên đã được nhóm nghiên cứu của giáo sư Tsanangurayi Tongesayi thuộc trường đại học Monmouth ở New Jersey công bố tại Hội nghị Hiệp hội Hóa học Mỹ. Báo cáo này được đưa ra sau khi các chuyên gia tiến hành thử nghiệm trên một số nhãn hàng gạo nhập khẩu được bày bán tại các cửa hàng tại địa phương. Các mẫu gạo này có xuất xứ từ Bhutan, Italia, Trung Quốc, Đài Loan, Israel, Cộng hòa Séc và Thái Lan. Đây là các thị trường cung cấp đến 65% lượng gạo cho thị trường Mỹ.
Giáo sư Tongesayi cho hay, tất cả các mẫu đưa đi xét nghiệm đều cho kết quả vượt mức nhiễm chì có thể chấp nhận (PTTI) theo tiêu chuẩn do Cơ quan Quản lý An toàn Thực phẩm Mỹ (FDA) đưa ra. Trong số đó, các mẫu gạo có nguồn gốc từ Trung Quốc và Đài Loan được phát hiện nhiễm chì ở mức độ cao nhất.
Theo các tác giả của nghiên cứu nói trên, trẻ sơ sinh và trẻ em khi tiêu thụ gạo có chứa hàm lượng chì quá cao như vậy có thể bị nhiễm lượng chì cao hơn từ 30 cho đến 60 lần giới hạn an toàn theo tiêu chuẩn của FDA. “Các phát hiện nói trên cho thấy một tình trạng đáng lo ngại rằng những em bé sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị nhiễm độc chì” – giáo sư Tsanangurayi Tongesayi nói. Chì là chất gây hại cho nhiều cơ quan nội tạng và cho hệ thống thần kinh trung ương ở con người. Chất này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với chì trong một thời gian dài có thể dẫn tới việc sụt giảm chỉ số thông minh IQ và rối loạn hành vi ở trẻ nhỏ.
Theo giáo sư Tongesayi, nguyên nhân khiến các mẫu gạo tại các nước này nhiễm chì cao như vậy là do thực trạng canh tác của người dân. “Tại các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, người dân dùng các loại chất thải chưa qua xử lý và cả chất thải công nghiệp để tưới cho cây trồng” – ông Tongesayi giải thích.
Ông Tongesayi cũng nói rằng việc các chất thải điện tử (các sản phẩm dân dụng và công nghiệp không đáp ứng được mục đích sử dụng thiết kế, và các sản phẩm đã đến cuối vòng đời sử dụng) đang bị đẩy ngày càng nhiều sang các nước đang phát triển khiến cho tình trạng ô nhiễm tại các nước này đang tăng lên một cách đáng kể, từ đó càng làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm kim loại, đặc biệt là chì, ở cây trồng.
Phản hồi lại kết quả của báo cáo nói trên, một người phát ngôn của FDA cho biết cơ quan này sẽ xem đánh giá lại báo cáo của nhóm các nhà nghiên cứu tại đại học Monmouth về hàm lượng chì trong các mẫu gạo nhập khẩu và chủ động giám sát mức độ nhiễm độc của các loại thực phẩm đang được bày bán tại nước này theo tiêu chuẩn chung của thế giới.
Thanh Tâm (Theo báo nước ngoài)