(ĐNĐT) - Ngày xuân, nhấp ngụm rượu Bầu Đá rồi thưởng thức mai nở, để nhớ câu “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của Mãn Giác Thiền Sư
Còn non chục ngày nữa mới đến Tết nhưng phần lớn mai đưa về Chợ hoa Xuân Đà Nẵng đã nở hoa khiến người mua không khỏi tần ngần, đắn đo |
Từ nhiều năm nay, cây mai nổi tiếng của đất võ Bình Định đã khẳng định vị thế tại các chợ hoa Tết ở Đà Nẵng và thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dân sông Hàn, nhất là mai có xuất xứ từ làng Háo Đức (xã Nhơn An, huyện An Nhơn) với gốc đế to, mạnh mẽ, hình thù cổ quái nhưng lại có dáng uốn lượn mềm mại, chi cành phân bố cân đối và nhỏ dần về phía ngọn.
Thế nhưng bán mai có… khuyến mãi và khuyến mãi bằng một sản vật khác cũng rất nổi tiếng của quê hương Hoàng đế Quang Trung - rượu Bầu Đá - như của cơ sở kinh doanh mai Lại Văn Tư (ở An Nhơn, Bình Định) thì năm nay là lần đầu tiên xuất hiện tại Chợ hoa Xuân Đà Nẵng, tổ chức ở quảng trường Đài Tưởng niệm trên đường 2-9 , thu hút hàng ngàn hộ kinh doanh hoa các loại trong khắp cả nước tụ hội về vào mỗi dịp Tết.
Do thời tiết năm nay quá thất thường nên nhiều làng mai có tiếng ở miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Hội An đều lâm vào cảnh thất bát. Còn non chục ngày nữa mới đến Tết nhưng mà phần lớn mai đưa về chợ hoa Xuân Đà Nẵng đều đã nở, có cây nở vàng cả chậu, thậm chí ra lá to đùng, cây nào ít cũng nở 30 – 40% số búp, rất hiếm các chậu mai còn nguyên toàn bộ búp xanh hoặc nếu có thì búp cũng khá nhỏ nên khó hứa hẹn có thể nở rộ đúng vào dịp Tết. Vì lẽ đó, không chỉ người bán mai âu lo mà khách mua mai cũng tần ngần, rất khó chọn lựa.
Có phải vì vậy mà các cơ sở kinh doanh mai như Lại Văn Tư “xuất chiêu” khuyến mãi rượu Bầu Đá? Tôi đã ngắm kỹ một cây mai có dáng khá đẹp, từ gốc đế khá to, thân mai uốn lượn theo thế rồng bay nhưng ngọn vẫn vút thẳng lên trời, các cành mai tỏa tròn xum xuê xung quanh. Chỉ tiếc là có tới gần nửa số búp đã nở. Giữa tiết trời nắng như… sắp vào hè như thế này, thật khó để tin rằng cây mai này không nở vàng từ trước Tết cả tuần.
Ấy thế mà anh Tiến, chủ cơ sở kinh doanh mai Lại Văn Tư vẫn… từ chối nói giá vì đã có người mua rồi. Gặng hỏi mãi, anh mới cho biết, giá cây mai này lên tới 2,5 triệu đồng. Và anh cũng cho biết thêm, giá mai năm nay so với năm ngoái tăng đến khoảng 50%, riêng cây mai mà chúng tôi ướm hỏi, năm ngoái chỉ có giá khoảng 1,5 triệu. Lẽ ra, với mai đã nở sớm như thế này thì giá phải giảm hơn chứ sao lại tăng thêm?
Anh Tiến giải thích: “Cũng có người giảm giá nhưng đó là mai hàng chợ, dân buôn đặt mua cả ngàn chậu cùng lúc đem ra đây, thấy không hút khách thì giảm giá để bán đổ bán tháo thu hồi vốn. Còn bọn em là dân vườn làm mai nhiều đời, năm nay bán không được thì đem về chăm, sang năm đưa ra bán. Thêm 1 năm cây mai thêm 1 tuổi, mai càng lão thì càng đẹp, càng quý nên giá trị của nó cũng tăng thêm”.
Vậy chương trình khuyến mãi “mua một cây mai tặng chai Bầu Đá” không phải là do mai… ế? Anh Tiến bật cười: “Đó là cách để quảng bá về quê hương Bình Định mà anh!”. Rồi thay vì nói về mai, anh lại nói về… rượu. Theo lời anh, rượu Bầu Đá là đặc sản của đất võ Bình Định, có xuất xứ từ thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, cùng huyện An Nhơn với anh. Nấu rượu là nghề truyền thống của người dân nơi đây.
Chiêu" khuyến mãi mới nghe đã thấy... "tê tê, say say" |
Xưa nay rượu Bầu Đá chỉ sản xuất bằng thủ công, tất cả các dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng. Muốn có rượu ngon, khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Người nấu rượu lâu năm có thể không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất.
Anh Tiến kể, cha anh là một người rất sành rượu, đã cho anh biết rằng rượu Bầu Đá có những nét riêng không có nơi nào có được. Đưa rượu lên rót, tiếng rượu thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng dịu, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi tăm, ngát hương, uống vào cho cảm giác lâng lâng, bay bổng. Chính nhờ những đặc trưng này mà danh tiếng của rượu vang xa, không chỉ có mặt ở khắp nơi trong cả nước mà gần đây còn được xuất đi Tây…
Nghe anh kể, rồi nhìn câu khuyến mãi: “Mua một cây mai, tặng chai rượu Bầu Đá (1 lít)”, tự nhiên thấy… tê tê, say say. Nhưng anh Tiến “cảnh tỉnh” ngay: “Ba ngày xuân, nhấp ngụm rượu Bầu Đá cho người lâng lâng mà thưởng lãm hoa mai nở. Để nhớ câu “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Chứ nốc vào cho say thì còn gì sự thanh thoát để mà thưởng xuân nữa anh!”.
Nghe anh nói, tôi cứ ngỡ người thanh niên còn khá trẻ, tầm 30 tuổi, đang chẻ khúc tre khô tạo thế cho mai với dáng vẻ đầy chất nông dân này là một… nhà thơ. Có lẽ không quá khi nói rằng những người như anh đang gánh cả tên làng trên mỗi bước đường mưu sinh với tất cả lòng nhiệt thành mong muốn hương thơm của quê mình bay xa, xa mãi…
Cẩm An