Theo báo cáo tại Tọa đàm, sau 15 năm thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trong Đảng bộ Khối quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nội dung, tiêu chí cụ thể, thiết thực.
Song bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong Đảng bộ Khối vẫn còn không ít hạn chế, như chưa được thực hiện rộng khắp trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác phối, kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn hình thức.
Phát biểu tại Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Thể nêu rõ, để tiếp tục xây dựng, triển khai và thực hiện tốt các mô hình dân vận trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy Khối yêu cầu các cấp ủy đảng tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với quần chúng Nhân dân. Các cấp ủy cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối cần xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, các “điểm nóng”, bức xúc nổi cộm cũng như trong cải cách hành chính, thực hành đạo đức công vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân... Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm, tạo điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận làm nổi bật giá trị thực tiễn việc vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương; đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ở Đảng bộ Khối nói chung và ở mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng.
Hà Nội lan tỏa mạnh mẽ từ mô hình “Dân vận khéo”
Trong sự kiện có liên quan, sáng 15/10, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức trao giải Hội thi “Dân vận khéo” TP Hà Nội năm 2024. Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở đăng ký dự thi của các địa phương, đơn vị, Ban Tổ chức Hội thi đã tổ chức vòng sơ khảo tại 6 cụm thi, tương ứng với 6 cụm thi đua hệ thống dân vận Thủ đô. Qua đó lựa chọn 6 đội thi xuất sắc nhất để tham dự chung khảo Hội thi “Dân vận khéo” TP Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, từ năm 2009 đến nay, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố, tạo sức lan tỏa, thu hút sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, khi thực hiện các nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” càng chứng minh hiệu quả rõ nét.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mong muốn, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị đều thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của Nhân dân; tiếp tục giữ gìn và phát huy phẩm chất của cán bộ dân vận và tinh thần xả thân cống hiến, vì Nhân dân phục vụ…
N.G