Gần một thập niên khổ ải của 11 triệu dân Hy Lạp

Nền kinh tế Hy Lạp đã tạm thoát hiểm, nhưng trước mặt quốc gia này vẫn đầy rẫy những chông gai (Hình minh họa)
Nền kinh tế Hy Lạp đã tạm thoát hiểm, nhưng trước mặt quốc gia này vẫn đầy rẫy những chông gai (Hình minh họa)
(PLO) - Sau tám năm dài đối mặt với khủng hoảng, với ba gói hỗ trợ của châu Âu và IMF, Hy Lạp tạm thoát hiểm. Athens chính thức "sang trang" khỏi cuộc khủng hoảng tài chính suýt đe dọa toàn khu vực eurozone. Nhưng cái giá mà 11 triệu dân Hy Lạp phải trả về mặt xã hội là "quá đắt". 

Được hưởng ba gói trợ giúp liên tiếp của Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong gần một thập niên – tổng cộng là 320 tỷ euro, kinh tế Hy Lạp có dấu hiệu bình phục.

Gói hỗ trợ thứ ba 86 tỷ euro mà bộ ba các nhà tài trợ quốc tế dành cho Hy Lạp sẽ đáo hạn vào ngày 20/08/2018. Chính thức thoát khỏi khủng hoảng tài chính, nhưng Hy Lạp chưa bước vào một chu kỳ gió yên sóng lặng. Những ngòi nổ về mặt xã hội vẫn âm ỉ.  

Vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia này, 25% tổng sản phẩm nội địa của Hy Lạp bốc hơi trong vòng bốn năm từ 2009 đến 2013. Phải từ năm ngoái, GDP của nước này mới tăng lên trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp từ 27% còn 20 %; ngân sách nhà nước từng bước lấy lại cân bằng.

Tăng trưởng đang từ số âm, nay đạt 1,7 % trong tài khóa 2017 và dự trù tăng thêm từ 2 - 3% trong năm 2018. Đó là những dấu hiệu khả quan cho thấy quốc gia nam Âu này bắt đầu hồi phục. 

Tự lực cánh sinh

Giáo sư Didier Marteau trước hết giải thích điều gì chờ đợi chính quyền thủ tướng Alexis Tsipras một khi gói hỗ trợ tài chính thứ ba của quốc tế hết hiệu lực. 

"Cụ thể thì từ ngày 21/8 trở đi Hy Lạp không còn được Liên hiệp châu Âu trợ giúp dưới dạng cấp tín dụng với lãi suất rất thấp từ 0 - 2%. Nhắc lại là từ năm 2012, châu Âu đã cho Athens vay 180 tỷ euro dưới dạng này. Số tiền 180 tỷ ấy được trích ra từ Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu.

Bên cạnh khoản tiền này, Hy Lạp còn vay thêm 50 tỷ euro khác với từng đối tác trong Liên hiệp. Tổng cộng Athens đang vay tín dụng 230 tỷ và tổng số nợ của Hy Lạp là 350 tỷ euro, tương đương với 180% GDP của nước này.

Trong hoàn cảnh đó, chưa thể nói là Hy Lạp đã thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất. Khi không còn được Liên hiệp châu Âu hỗ trợ, Athens đi vay với lãi suất thấp, nhưng kể từ cuối tháng 8 tới đây, họ sẽ phải đi vay theo giá thị trường. Chắc chắn là tiền lãi sẽ cao hơn, bởi vì các chủ nợ sắp tới đây của Hy Lạp là các nhà đầu tư tư nhân".

Chỉ số đang được các nhà đầu tư tư nhân theo dõi chặt chẽ là khoảng cách về lãi suất ngân hàng mà Hy Lạp phải trả so với các đối tác còn lại trong khu vực đồng euro. Hy Lạp hiện phải vay tín dụng 10 năm với lãi suất 5%.

Nước Ý của thủ tướng Conte là 3%. Ngược lại một nền kinh tế được coi là vững chắc như Đức của thủ tướng Merkel cũng đi vay 10 năm, nhưng chỉ phải trả lãi suất là 0,35 %. Nước Pháp được đánh giá là ổn định hơn Ý nhưng lại thua Đức, nên đi vay với giá là 0,70%.

Dù vậy cột mốc ngày 20/8 tới đây chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ và nhất là đánh vào tâm lý 11 triệu dân Hy Lạp, vốn xem các thanh tra viên của bộ ba các chủ nợ quốc tế (IMF, Ủy ban châu Âu và ngân hàng BCE) là những "kẻ đô hộ".

Nhưng, như ghi nhận của một nhà báo từ Athens, cuộc sống hàng ngày là những chuỗi dài khó khăn cho dù Hy Lạp không còn phải ngửa tay vay mượn tiền của các định chế tài chính quốc tế. 

"Đúng là người dân Hy Lạp đã chờ đợi thời điểm này từ lâu, nhưng hiện nay Liên hiệp châu Âu đang đối mặt với quá nhiều thách thức: Chính trị của Ý gây lo ngại, tương lai của khu vực đồng euro vẫn bấp bênh... Tất cả những yếu tố này gây thêm khó khăn cho chính quyền Athens.

Còn đối với người dân bình thường, cuộc sống hàng ngày chẳng có gì thay đổi. Hy Lạp sẽ tiếp tục thông qua các biện pháp cải tổ theo hướng thắt lưng buộc bụng. Năm tới, lương hưu sẽ còn bị cắt giảm tiếp, các khoản chi tiêu xã hội cũng sẽ còn bị siết thêm".

Hy Lạp sang trang thời kỳ phải ngửa tay xin cấp tín dụng với giá rẻ, nhưng tình trạng nợ nần vẫn chồng chất: Athens vẫn phải đi vay thêm tín dụng để thanh toán nợ đáo hạn. Chỉ riêng khoản này, theo thẩm định của viện thống kê châu Âu Eurostat, Athens phải dự trù từ 5 - 7 tỷ euro để trả tiền lãi cho các chủ nợ.

Chuyện dài nhiều tập

Trước khi đi xa hơn, xin điểm lại một vài cột mốc quan trọng trên chặng đường dài đầy khổ ải gần một thập niên Hy Lạp đã trải qua. 

Bị lôi vào vòng xoáy từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, tháng 10/2009, Hy Lạp có chính phủ mới. “Món quà” bất ngờ chờ đợi tân thủ tướng đảng Xã hội Georges Papandreou là mức thâm hụt ngân sách nhà nước 15% GDP, cao gấp 5 lần so với quy định của khu vực đồng euro. Athens bị  hạ điểm tín nhiệm, bị các thị trường tài chính "cấm cửa", phải đi vay với lãi suất cao mà không mấy ai muốn cho Hy Lạp vay mượn. 

Chính quyền bị đe dọa mất khả năng thanh toán, phải ra khỏi khối euro, qua đó làm nổ tung cả khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng như vậy, phải mất nhiều tháng Liên hiệp châu Âu, BCE và IMF mới chịu cứu Athens. 

Tháng 5/2010, bộ ba các nhà tài trợ quốc tế này đồng ý về kế hoạch thứ nhất cứu Hy Lạp: cho quốc gia này vay 110 tỷ euro với những điều kiện ưu đãi. Đổi lại, Athens phải thông qua một loạt các biện pháp khắc khổ.

Công luận bất bình làm suy yếu chính phủ. Một năm sau, bệnh tình của quốc gia nam Âu không thuyên giảm. Nợ công vẫn tăng cao, kinh tế đổ dốc, hàng trăm ngàn người mất việc, kể cả giới công nhân viên chức nhà nước. Các dịch vụ và cơ sở hạ tầng công cộng xuống cấp. Nội các của thủ tướng Papandreou bị đổ.

Tháng 6/2012 một liên minh tả hữu lên cầm quyền,  ba tháng sau khi bộ ba các nhà tài trợ quốc tế rót thêm 130 tỷ đô la tín dụng cho Athens trong gói hỗ trợ thứ nhì. Bên cạnh đó, các ngân hàng tư nhân đồng ý xóa 107/2016 tỷ euro nợ cho Hy Lạp. 

Năm 2014, một tia hy vọng lóe lên trên xứ sở của nữ thần Athena. Athens vội mừng trông thấy ánh sáng cuối đường hầm. Còn Bruxelles hài lòng vì các biện pháp khắc khổ tỏ ra có hiệu quả. Nhưng cử tri Hy Lạp quyết định bỏ phiếu cho cánh tả cấp tiến của ông Alexis Tsipras.

Ông này đắc cử vào tháng 1/2015 với hứa hẹn "sang trang" thời kỳ thắt lưng buộc bụng, khép lại khủng hoảng cả về mặt chính trị lẫn xã hội và nhân đạo... Lập tức các nhà tài trợ của Athens dọa khóa van tín dụng. 

Tháng 6/2015 một lần nữa Hy Lạp lại bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Thủ tướng Tsipras "đầu hàng", cam kết đi vào quy củ - hy sinh vế xã hội và nhân đạo, để đổi lấy gói hỗ trợ thứ ba 86 tỷ euro có hiệu lực cho tới hết ngày 20/8/2018. Kèm theo đó là đợt thứ ba các biện pháp cắt giảm chi tiêu công cộng, giảm lương hưu, giảm trợ cấp xã hội, các chương trình tư hữu hóa, sa thải thêm nhân viên nhà nước...

Tạm thoát hiểm nhưng thách thức vẫn nhiều

Năm 2017 là một cột mốc quan trọng: Sau nhiều năm suy thoái, lần đầu tiên từ 2010 GDP Hy Lạp tăng 1,4 %. Nhìn vào cán cân chi tiêu của nhà nước, nếu không kể các khoản tiền lãi phải trả cho các chủ nợ, ngân sách của chính phủ cũng lần đầu tiên từ thập niên qua bội thu. Có điều nợ công của Hy Lạp vẫn còn tương đương với 180% tổng sản phẩm nội địa. 

Sang trang toàn bộ các kế hoạch trợ giúp của cộng đồng quốc tế, nhưng Athens vẫn phải thanh toán những khoản nợ khổng lồ và vẫn bị ba chủ nợ chính "giám sát".  

Giờ đây Hy Lạp đã quay trở lại với con đường tăng trưởng, nhưng tới khi nào GDP nước này mới tìm lại được mức của thời điểm 2007? Về mặt xã hội, 22% dân số nước này sống trong cảnh nghèo khó, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi trong thập niên qua. Con số trên cao gấp ba lần so với mức trung bình trong Liên hiệp châu Âu. 

Bên cạnh đó Hy Lạp có ít nhất hai nhược điểm khác: Một là hệ thống ngân hàng và hai là tình trạng tài chính yếu kém của các doanh nghiệp tư nhân.

Lĩnh vực tài chính công đã ít nhiều lấy lại được cân bằng, ngược lại trong gần một chục năm khủng hoảng vừa qua, các doanh nghiệp Hy Lạp gần như không đầu tư thêm, nhiều công ty phá sản. Số này trở thành những gánh nặng của giới ngân hàng.

Nợ khó đòi của các ngân hàng Hy Lạp tăng nhanh, cao gấp bốn lần so với tại Ý. Những phân tích lạc quan nhất cho rằng Hy Lạp đã tạm thoát hiểm, nhưng trước mặt quốc gia này vẫn đầy rẫy những chông gai. 

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.