Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, lực lượng trị an cơ sở bao gồm bảo vệ dân phố; dân phòng; bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; công an xã, thị trấn bán chuyên trách. Đây là lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Hiện nay, tổ chức, hoạt động của lực lượng trị an cơ sở được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như: Nghị định 28/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố; Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy 2003; Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013 về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Pháp lệnh công an xã…
Ông Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an báo cáo tại cuộc họp |
Mặt khác, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của ngành Công an, lực lượng trị an cơ sở trong toàn quốc đã từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức và không ngừng lớn mạnh. Cụ thể, đã thành lập 1.882 Ban bảo vệ dân phố, 15.656 Tổ bảo vệ dân phố, với tổng số 72.456 thành viên; 42.264 Đội dân phòng với 461.833 đội viên; 334.810 bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; hơn 126.000 công an xã trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là tại địa bàn, cơ sở. Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở là vô cùng cần thiết.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Ban Tổ chức Trung ương đề nghị việc xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở phải gắn với quy định về xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, không làm ảnh hưởng đến biên chế của Bộ Công an và phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo nhận định của ông Phạm Thành Nam, Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng, lực lượng bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đã hình thành từ rất lâu với phương châm toàn dân – toàn diện và tồn tại trong thời kỳ quan liêu bao cấp. Không thể phủ nhận vai trò của lực lượng này, tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì các lực lượng này không còn phù hợp. Dẫn chứng thêm, ông Nam chỉ ra thực tế hiện nay, thay vì thuê bảo vệ như trước, hầu hết các doanh nghiệp đều thuê công ty vệ sĩ, bảo vệ chuyên nghiệp. Do đó, nếu dự thảo Luật giao quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho lực lượng này thì sẽ không khả thi.
Liên quan tới lực lượng dân phòng, ông Phạm Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và an ninh, Văn phòng Quốc hội cho rằng Luật Phòng cháy và chữa cháy đã có các quy định rất cụ thể về đối tượng này. Mặt khác, lực lượng dân phòng chỉ tham gia khi có yêu cầu bảo vệ về cháy, nổ nên tính ràng buộc không cao. Do vậy, đề nghị Bộ Công an cân nhắc thêm khi đưa lực lượng dân phòng vào dự thảo Luật này để tránh chồng chéo với Luật khác.
Còn ông Nguyễn Phước Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh tới bản chất của lực lượng trị an cơ sở là tự nguyện, tự quản, đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, còn Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ để huy động sức dân và quản lý thống nhất trong cả nước. Do vậy, dự thảo Luật cần làm rõ được bản chất này đồng thời thiết kế các chính sách nhằm gắn kết lực lượng trị an cơ sở với lực lượng chính quy, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn, cơ sở.
Bày tỏ đồng tình, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng đề nghị xây dựng Luật cần làm rõ hơn các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với mỗi lực lượng thuộc lực lượng trị an cơ sở, từ đó chỉ ra các bất cập về pháp luật cho từng lực lượng. Dự thảo Luật cũng cần xây dựng theo hướng gắn kết lực lượng trị an cơ sở gắn với lực lượng chính quy và từng bước giảm lực lượng bán chuyên trách.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý cần nghiên cứu các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng trị án cơ sở tương xứng với trình độ để đảm bảo khả thi. |
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội là vấn đề lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng nhiều bất ổn như hiện nay. Lực lượng trị an cơ sở hiện nay lên tới khoảng 1 triệu người, do đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại để tổ chức hợp lý, tránh trùng lặp và lãng phí. Thứ trưởng lưu ý, đây là lực lượng bán chuyên trách, trình độ không thể bằng công an chính quy nên cần nghiên cứu các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương xứng với trình độ để đảm bảo khả thi. Đồng thời cần tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn hoạt động của lực lượng trị an cơ sở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đánh giá sự tương thích với pháp luật quốc tế, sự đồng bộ với pháp luật trong nước từ đó mới đưa ra các chính sách xây dựng luật phù hợp.