Gửi hàng trăm bức thư dù không có hồi âm
Hằng ngày người dân ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, luôn quen với hình ảnh một bà lão gầy gò, lưng còng bước đi tập tễnh sớm tối lủi thủi một mình trong căn nhà cấp bốn nhỏ bé. Bà tên Phạm Thị Hương (SN 1930), vợ của liệt sỹ. Từ khi người chồng hi sinh, mặc dù có rất nhiều người đàn ông ngỏ ý nhưng bà vẫn quyết tâm ở vậy thủ tiết thờ chồng cho đến bây giờ.
Bà Hương hồi trẻ nổi tiểng xinh xắn, nết na, được nhiều chàng trai trong làng thầm thương trộm nhớ. Tuy nhiên, trái tim cô thôn nữ trẻ chỉ dành trọn cho chàng trai thật thà tốt bụng tên Trần Văn Giảng (SN 1927) ở cùng làng.
Tình yêu của cứ lớn dần theo năm tháng. Biết được chuyện này, mọi người trọng gia đình đều rất ủng hộ. Sau đó, vào tháng 12/1952, hai bên họ hàng tổ chức một đám cưới giản dị đơn sơ cho đôi trẻ. Tuy cuộc sống ngày đó vô cùng thiếu thốn nhưng bù lại, hai vợ chồng bà Hương hết lòng yêu thương nhau.
Tháng 9/1953, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Giảng tình nguyện nhập ngũ đi chiến đấu bảo vệ đất nước.
Tuy không muốn phải xa cách nhau nhưng vì nghĩa lớn, bà Hương không dám giữ chồng, còn động viên ông cố gắng chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, với lời hẹn ngày hòa bình vợ chồng sẽ đoàn tụ.
Bà Hương chia sẻ: “Bất cứ người vợ nào cũng không muốn chồng đi xa, tuy nhiên lúc đó đất nước đang chiến tranh nên không còn cách nào khác. Ngày chia tay để ông lên đường nhập ngũ, cả nhà ai cũng khóc, động viên người thân lên đường may mắn.
Thật không ngờ đó là lần chia tay mãi mãi của chúng tôi. Trước lúc đi ông còn nắm tay tôi dặn dò, chiến tranh không biết bao giờ mới kết thúc, anh đi chiến đấu xa nhà, nhờ em thay anh chăm sóc bố mẹ”.
Dù đã gần 60 năm trôi qua nhưng những hình ảnh lúc ông Giảng lên đường nhập ngũ, bà Hương vẫn nhớ rất rõ. Bà kể, lúc chiếc xe chở ông đi xa dần, bà cứ nhìn theo mãi cho đến khi khuất hẳn.
Từ ngày đó, bà một mình tần tảo việc đồng áng, chăm sóc bố mẹ chồng già yếu. Ngược lại, bà được bố mẹ và họ hàng bên chồng yêu quý. “Tôi luôn tâm niệm phải thay ông ấy chăm sóc bố mẹ để chồng yên tâm chiến đấu”, bà Hương nhớ lại.
Tuy nhiên, ước mơ đó mãi chỉ là mơ ước. Sau lá thư đầu tiên và duy nhất gửi về cho gia đình, ông Giảng bặt tăm tin tức. Người vợ vẫn không tuyệt vọng, hàng tuần bà miệt mài viết thư gửi theo địa chỉ cũ cho chồng. Hàng trăm cánh thư chất chứa bao nỗi nhớ thương, người vợ trẻ gửi đi mà không có hồi âm.
“Mỗi lần gửi, tôi đều hi vọng sẽ nhận được hồi âm của chồng, nhưng rồi lại phải thất vọng. Nhiều người trong làng cho rằng có thể ông ấy đã hi sinh nên mới không liên lạc về gia đình. Nhưng tôi tuyệt đối không tin, nghĩ rằng, có thể ông bận chiến đấu nên không có thời gian biên thư mà thôi”, bà Hương nhớ lại.
Đến cuối tháng 5/1954, sau bao âu lo, thấp thỏm, gia đình bà Hương bàng hoàng nhận giấy báo tử của chồng gửi về từ mặt trận Điện Biên Phủ. “Khi đó, tôi như chết lặng bởi nỗi đau quá lớn. Tôi không thể chấp nhận được sự thật người chồng mà mình luôn mong mỏi đã hi sinh. Sau đó tôi ốm liệt giường mấy tháng trời. Trong những giấc mơ, tôi vẫn gọi tên ông, gặp ông. Chỉ mới một thời gian ngắn, tôi gầy hẳn đi”, bà Hương kể.
Một mình băng rừng tìm mộ chồng
Nỗi đau càng chồng chất khi một thời gian sau, hai người em trai của ông Giảng cũng hi sinh ngoài chiến trường. Vậy là bà Hương vừa phải an ủi bố mẹ chồng vừa phải lo toan mọi việc trong nhà.
Dù tuổi cao sức yếu nhưng bà Hương vẫn hàng ngày đến chợ bán trứng, bán rau. |
“Tôi thay chồng và các em chồng làm tròn chữ hiếu, để ông ấy có thể yên nghỉ nơi suối vàng”, bà nói. Điều bà cảm thấy tủi thân nhất là hai vợ chồng không có lấy một tấm hình chụp chung, thậm chí ông Giảng cũng không có một tấm ảnh nào để bà thờ cúng.
Từ ngày biết tin chồng mình không còn, bà Hương ở vậy, không đi bước nữa. Dù ai khuyên nhủ thế nào, bà cũng không nghe. Thấy con dâu còn trẻ mà chịu cảnh góa bụa, bố mẹ chồng và họ hàng luôn khuyên nhủ bà đi tìm hạnh phúc riêng, có một người để nương tựa. Bà vẫn kiên quyết không chịu, chỉ tần tảo chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo.Khi bố mẹ chồng đau ốm, một tay bà Hương chăm sóc thuốc thang, có hiếu đến tận ngày các cụ qua đời.
Điều bà Hương luôn cảm thấy day dứt đó là cho đến nay, vẫn chưa tìm được mộ chồng. Bà cho biết, đã nhiều lần lặn lội vào chiến trường Điện Biên để đi tìm hài cốt chồng nhưng đều không thành công.
Suốt gần 60 năm qua, bà Hương chắt chiu từng đồng tiền đi chợ bán trứng gà, để tìm mộ ông. Bà đã tự mình mò mẫm khắp chiến trường nơi chồng chiến đấu, hỏi từng người đồng đội của ông nhưng tất cả đều vô vọng.
Thấy bà Hương một mình đi tìm mộ chồng vất vả, nhiều người thân khuyên can cần giữ gìn sức khỏe. Bà vẫn không nản lòng dù tuổi đã cao. Bà luôn nuôi hi vọng ngày nào đó, sẽ đưa được hài cốt của chồng về với quê hương.
“Hình ảnh người phụ nữ chân yếu tay mềm băng rừng lội suối hàng tháng trời đi tìm mộ chồng khiến ai cũng phải cảm động. Không ai ngờ được người phụ nữ nhỏ bé ấy lại có nghị lực phi thường đến vậy.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của nó vẫn còn dai dẳng cho đến tận ngày hôm nay. Ngay cả niềm mong ước giản dị đưa hài cốt chồng về cạnh ông bà tổ tiên mà bà ấy chưa thể thực hiện được. Đó luôn là niềm day dứt dằn vặt bà Hương trong mấy chục năm qua", một hàng xóm cho biết.
Bà Hương chia sẻ: “Trước lúc bố mẹ chồng qua đời tâm nguyện lớn nhất của ông bà là có thể đưa được hài cốt con trai về với quê hương. Đó cũng là mong mỏi lớn nhất của cả gia đình.
Tuy thế, ngày đó chiến tranh loạn lạc, biết ông ấy được chôn cất ở đâu. Tôi đã nhiều lần ra Điện Biên tìm kiếm nhưng đều vô vọng. Cho đến nay, vẫn chưa thể hoàn thành được sự ủy thác của bố mẹ chồng, tôi cảm thấy vô cùng có lỗi. Cứ nghĩ ông ấy phải nằm cô quạnh nơi rừng thiêng nước độc mà đau xót lắm”.
Thời gian thấm thoát trôi qua, người vợ trẻ ngày nào giờ đã trở thành một bà lão 83 tuổi. Giờ đây bà Hương vẫn vò võ một mình trong căn nhà cũ thờ chồng.
Tuy tuổi cao sức yếu, hàng ngày bà vẫn đi chợ bán từng quả trứng gà, tiết kiệm từng đồng tiền để dành đi tìm mộ chồng. Bà vẫn luôn mong mỏi một ngày nào đó sẽ đưa được hài cốt chồng về với quê cha đất tổ.