Gần 30.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đã có 'Mẹ đỡ đầu'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Con số này được đưa ra tại hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do T.Ư Hội LHPN Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 24 – 25/11 tại Hà Nội, trực tuyến với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu ở gần 300 điểm cầu tại 35 tỉnh/thành trong cả nước.

Thông tin từ Hội LHPN Việt Nam, sau gần 2 năm triển khai, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã được hầu hết Hội LHPN tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Chương trình cũng đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân đồng hành và đã thực sự trở thành những điểm tựa đầy yêu thương của các con mồ côi trên khắp mọi miền đất nước.

Đến nay, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19.

Nhiều địa phương đã đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do COVID-19 trên địa bàn có “Mẹ đỡ đầu”, hầu hết các trẻ mồ côi do COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước đã được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời. Nhiều tỉnh/thành Hội đã thực hiện cam kết hỗ trợ đỡ đầu không chỉ con mồ côi do COVID-19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác...

Chương trình Mẹ đỡ đầu tại tỉnh Nghệ An. Nguồn ảnh Sở VHTT Nghệ An

Chương trình Mẹ đỡ đầu tại tỉnh Nghệ An. Nguồn ảnh Sở VHTT Nghệ An

Đặc biệt, nhiều “Mẹ đỡ đầu” đã cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học. Qua kết nối của T.Ư Hội LHPN Việt Nam, đến nay qua đã có 34 “Mẹ đỡ đầu” tại châu Âu cam kết nhận hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền.

Trong quá trình triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội đã sáng tạo, linh hoạt khai thác thế mạnh của mạng xã hội (zalo, facebook, website của Hội…) để tập trung thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia thực hiện Chương trình với nhiều hoạt động phù hợp, sát với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tình thân gia đình…

Nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao như: đưa nội dung thực hiện Chương trình là một tiêu chí trong các tiêu chí thi đua của các cấp Hội ; tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu cụ thể đỡ đầu cho đơn vị thực thuộc; kết nối với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức chăm sóc sức khỏe, đào tạo dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp ; mô hình thu gom phế liệu để có nguồn lực hỗ trợ cho con mồ côi.

Nhiều tỉnh/thành đã phát huy được vai trò của mạng lưới câu lạc bộ hưu trí, hội đồng hương xa quê, Việt kiều... kết nối hiệu quả “Mẹ đỡ đầu” ở xa với “Mẹ đỡ đầu” trực tiếp và trẻ mồ côi...

Từ thực tiễn triển khai chương trình, nhiều địa phương đã và đang đề xuất nhiều gói chính sách để được hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ/miễn học phí, mua BHYT cho trẻ mồ côi nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể nói, bằng tình thương yêu, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội, thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu”, cuộc đời của nhiều trẻ thiếu may mắn đã bước sang trang mới.

Đọc thêm

Những người phụ nữ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bức ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bà con Nhân dân vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng và chụp ảnh với cụ Lù Thị Đôi (giữa) ngày 19/4/2004”. (Nguồn: BTPNVN).
(PLVN) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của bản lĩnh, ý chí và trí tuệ Việt Nam. Làm nên chiến thắng lịch sử ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ. Nhiều bức ảnh, hiện vật mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ đã minh chứng cho điều ấy.