Trưa ngày 30-1, trạm biến áp cao thế của hộ kinh doanh cá thể Bùi Văn Xá quản lý, cấp điện sinh hoạt và sản xuất cho các hộ dân kể trên bị sự cố nổ cầu chì, vỡ sứ SI gây mất điện. Do sự cố ngoài khả năng khắc phục của hộ kinh doanh cá thể, Điện lực Thủy Nguyên cử cán bộ chuyên môn kỹ thuật đến khảo sát và lập dự toán sửa chữa. Giữa hai bên không thống nhất về việc ký hợp đồng bao thầu, nên việc sửa chữa trạm biến áp bị kéo dài.
Chiều 2-2, Phó chủ tịch UBND xã Ngũ Lão Bùi Ngọc Lanh cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 4 đơn vị quản lý kinh doanh điện, trong đó có 2 HTX và hai hộ cá thể. Theo kế hoạch, HTX nông nghiệp Ngũ Lão và hai hộ kinh doanh cá thể (trong đó có hộ ông Xá) phải bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành Điện quản lý. Kế hoạch trên đã được tổ chức triển khai tới các tổ chức quản lý kinh doanh điện trên địa bàn toàn xã, phổ biến rộng rãi đến toàn thể cán bộ, nhân dân địa phương.
UBND xã phối hợp với Điện lực Thủy Nguyên tiến hành các bước theo quy trình, việc kiểm đếm và xác định giá trị tài sản lưới điện hạ áp của HTX nông nghiệp Ngũ Lão cơ bản hoàn tất; còn hai hộ cá thể chưa thống nhất về việc định giá tài sản, thì xảy ra sự cố mất điện nêu trên.
Ông Đoàn Văn Tiến, ở thôn My Sơn, xã Ngũ Lão làm nghề kinh doanh- dịch vụ cho biết: Mấy ngày qua, do mất điện ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm ăn của gia đình, nhất là Tết Nguyên đán đang đến gần. Gia đình ông và mọi người trong thôn mong muốn sớm được cấp điện trở lại, các bên có liên quan cần thống nhất lại trong việc bàn giao lưới điện mới phù hợp nguyện vọng của người dân.
Lãnh đạo Điện lực Thủy Nguyên cho biết: Đơn vị phối hợp với địa phương và hộ cá thể do ông Xá quản lý để khắc phục sự cố, sớm cấp điện trở lại cho khu vực. Tuy nhiên do hộ cá thể không chấp nhận việc ký kết hợp đồng bao thầu theo quy định pháp luật, bàn giao lưới điện hạ thế như kế hoạch, nên đơn vị không đủ cơ sở pháp lý để sửa chữa trạm biến áp.
Từ sự cố mất điện ở thôn 14 My Sơn nêu trên cho thấy tồn tại vướng mắc việc kinh doanh điện ở xã Ngũ Lão nói riêng và ở khu vực nông thôn nói chung. Bởi, chỉ ngành Điện mới có khả năng về nhân lực, kỹ thuật xử lý sự cố về điện cao áp một cách an toàn và hiệu quả nhất. Thực tế, mỗi khi xảy ra sự cố ở các tổ chức bán điện không thuộc ngành Điện, các bên mất rất nhiều thời gian thương thảo, giải quyết tranh chấp, dẫn đến người tiêu dùng bị thiệt thòi, gây bức xúc trong dư luận. Do vậy, trước mắt, các bên cần thống nhất phương án khắc phục sự cố, sớm cấp điện trở lại cho các hộ dân, nhất là Tết Nguyên đán Canh Dần đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ điện của người dân tăng cao. Mặt khác, chính quyền địa phương triển khai nhanh việc bàn giao lưới điện nông thôn theo kế hoạch, không để phát sinh phức tạp. Ngành Điện tiếp tục làm tốt công tác vận động, tuyên truyền các tổ chức không đủ điều kiện kinh doanh chủ động bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý, được hưởng các ưu đãi nhất định, đồng thời xem xét thiết lập hệ thống bán điện sinh hoạt ở các khu vực nông thôn chưa bàn giao lưới điện, để các hộ gia đình lựa chọn nhà cung cấp điện có chất lượng, giá cả cạnh tranh. Qua đó tự đào thải các tổ chức không có năng lực, kỹ thuật cần thiết, bán điện không bảo đảm chất lượng./.