Sau gần 20 năm tổ chức thực hiện dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, đại đa số người dân vùng TĐC của tỉnh Sơn La đều có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn huyện Mường La có 169 hộ với 735 nhân khẩu quay về nơi ở cũ, lấn chiếm đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thị trấn Ít Ong và các xã: Chiềng Lao, Pi Toong, Nậm Giôn, Tạ Bú. Huyện Quỳnh Nhai cũng có 13 hộ, 67 khẩu tái định cư của xã Chiềng Bằng di chuyển về nơi ở cũ.
Ban quản lý Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La cho biết, đây là các hộ đã có quyết định là tái định cư thủy điện Sơn La và đã được nhận khoản bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 9/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, có cam kết và quyết định di chuyển TĐC theo các hình thức TĐC tập trung nông thôn, TĐC xen ghép, TĐC tự nguyện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện từ năm 2008, các hộ dân đã chấp hành và có cam kết di chuyển TĐC theo kế hoạch và cơ bản đã nhận đủ chế độ bồi thường hỗ trợ TĐC. Thế nhưng, đến nay các hộ không ở điểm TĐC theo quy hoạch mà tự ý quay về dựng nhà ở kiên cố bất hợp pháp tại các khu, điểm; Các hộ dân mong muốn được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết một số quyền lợi, được hợp thức chỗ ở tại các vị trí đã dựng nhà kiên cố và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nguyên nhân là do tập quán, tâm lý người dân không muốn sinh sống xa nơi ở cũ, một số hộ sau tái định cư gặp khó khăn, không thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu nơi ở mới; công tác quản lý đất đai, quản lý cư trú của các xã, các đơn vị được Nhà nước giao sử dụng đất chưa chặt chẽ, khi người dân quay trở về dựng lán tạm sản xuất, sống xen kẽ chưa kịp thời giải quyết…
Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm đưa ra các phương án cụ thể. Mới đây nhất, ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã yêu cầu thành lập Tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc đối với các hộ TĐC Dự án thủy điện Sơn La.
Tổ công tác sẽ trực tiếp làm việc với từng hộ dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; đẩy mạnh tuyên truyền, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc và có phương án giải quyết cụ thể với từng gia đình phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, rà soát, kiên quyết xử lý nghiêm các hộ vi phạm pháp luật.