Gần 2 thập niên phát triển và bảo tồn của Làng sinh thái Thái Hải

Gần 2 thập niên phát triển và bảo tồn của Làng sinh thái Thái Hải
(PLVN) - Sau gần 2 thập niên phát triển Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã trở thành một mô hình độc đáo về bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày… 

Dưới mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày được bảo tồn nguyên vẹn là những gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, đang gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc trưng... thu hút du khách của tỉnh Thái Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng bản Thái Hải, Giám đốc Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải nói rằng: “Người Tày mình, anh chị em ruột ở cùng nhau mấy đời đều được, nuôi nhau được. Ai không còn vợ, còn chồng thì con cháu phụng dưỡng, không có tỵ nạnh nhau.

Phong tục ở đây là vậy. Bao bọc nhau trong nhà, cả bản cũng vậy. Một người chỉ làm được một việc thôi. Người thì nuôi trâu giỏi, người chăn lợn giỏi, người giao tiếp bên ngoài xã hội giỏi, về ăn chung với nhau, dạy nhau làm ăn. Tất cả cùng bảo ban, yêu thương nhau, không phân biệt đứa được học hành hay đứa nuôi gà hơn thằng chăn lợn”.

Khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thuộc xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên còn được gọi bằng nhiều cái tên thân thương và mộc mạc khác như “Bản làng Thái Hải” hay “Gia đình Thái Hải”. Nơi đây là một trong những điểm du lịch tiêu biểu nhất của Thái Nguyên về chất lượng phục vụ và tính độc đáo của điểm đến. Ngày nay, khi mà cuộc sống đang lao đi với tốc độ chóng mặt từ phố thị đến thôn quê, du khách sẽ rất hiếm gặp một quần thể những ngôi nhà dân tộc có tuổi đời ngót nghét trăm năm như nơi đây.

Ngay từ tên gọi của làng cũng đã ẩn chứa những điều đặc biệt mà chỉ nơi đây mới có. Chị Lý Thị Chiên, người từng công tác ở Ban Quản lý ATK (An toàn khu) Định Hóa, Phó Giám đốc làng giải thích cho chúng tôi về việc tại sao nơi đây lại được gọi là “bản làng”: “Nhiều du khách tới đây cũng thắc mắc rằng: Nơi đây được gọi là “bản làng” vì nó rộng như một cái làng? Đúng thế, nhưng đó mới là một vài phần trăm của sự thật.

Đây là một khu du lịch đặc biệt. Nó đặc biệt vì nơi đây không giống với các khu du lịch khác, quan hệ của mọi người làm việc ở đó chỉ đơn thuần là đồng nghiệp và sẽ chia tay nhau khi hết giờ hành chính. Ở đây, mọi người, các gia đình gắn bó với nhau trong một cộng đồng đoàn kết, và cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất như của người dân nơi bản làng thôn quê. Và tất nhiên, tấm lòng của họ cũng mộc mạc, chân chất như người dân quê vậy”. 

Trong mỗi nhà sàn ở Bản làng Thái Hải có 3 -4 thế hệ cùng sinh sống.
Trong mỗi nhà sàn ở Bản làng Thái Hải có 3 -4 thế hệ cùng sinh sống. 

Sao lại gọi là “Gia đình”? Ý nghĩa “Gia đình” ở đây hàm ý một nghĩa rộng lớn hơn. Đó là đại gia đình của tất cả các thành viên Thái Hải. Nơi mọi người đoàn kết, yêu thương nhau như người một nhà. Điều này đã được người sáng lập lên Khu bảo tồn này, bà Nguyễn Thị Thanh Hải (56 tuổi) gìn giữ và phát triển suốt 17 năm qua.

Sinh ra và lớn lên ở xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, một người con dân tộc Tày vẫn luôn nhớ căn dặn từ khi còn nhỏ của ông bà, bố mẹ rằng: “Sau này dù có đi đâu hay làm bất cứ công việc gì cũng không được đánh mất tiếng nói và phong tục tập quán của dân tộc”.

Ngược dòng thời gian, vào đầu những năm 2000, đồng bào Tày ở nhiều nơi có xu hướng thay thế nhà sàn truyền thống bằng nhà xây hiện đại. Nhiều nhà sàn được thu mua về xuôi để phục vụ cho các hoạt động thương mại. Số khác bị phá bỏ làm củi đốt. Vùng đất cách mạng An toàn Khu Định Hóa, nơi hình ảnh của những ngôi nhà sàn dân tộc Tày từ lâu đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ, cũng nằm trong tình trạng đáng buồn đó.

Xót xa trước thực trạng đó, cùng với tình cảm tha thiết với văn hóa quê hương, với những tháng năm tuổi thơ đầy kỉ niệm, bà Hải đã có ý tưởng và tâm huyết giữ gìn lại những ngôi nhà sàn truyền thống của vùng đất quê hương. Từ năm 2003, bà đã chắt chiu tài sản cá nhân mình, mua lại những ngôi nhà đó và phục dựng nguyên bản tại vùng đồi xóm Mỹ Hào.

Bản làng Thái Hải nổi tiếng với hơn 30 ngôi nhà sàn nguyên gốc của người Tày.
Bản làng Thái Hải nổi tiếng với hơn 30 ngôi nhà sàn nguyên gốc của người Tày. 

Để xây dựng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, bà Thanh Hải đã cho bạt đồi, đào hồ, phủ xanh 10ha rừng và chuyển 30 ngôi nhà sàn nguyên gốc từ vùng ATK Định Hóa có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ về đây. Những ngôi nhà sàn được phục dựng nguyên bản về kiến trúc và cấu trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Tày nói chung và đồng bào dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa nói riêng. Đây là các nếp nhà cũ của đồng bào dân tộc. Nhà gỗ mộc, không sơn và đục đẽo tỉ mỉ như nhà gỗ người kinh dưới xuôi.

Nhà sàn có cấu trúc khung xuyên toang, lợp mái lá cọ. Bàn thờ thổ tiên được đặt ở gian trang trọng nhất và bếp lửa ngay lối cửa vào nhà. Sàn nhà bằng dát thân cây mai thoáng mát. Các gian phòng được bố trí theo đúng vai trò, lứa tuổi trong gia đình truyền thống dân tộc Tày.

“Khi đưa những ngôi nhà sàn về Thái Hải, mục đích của tôi không chỉ là giữ lại phần xác mà phải giữ được phần hồn của những ngôi nhà sàn, đó chính là cuộc sống sinh hoạt, là truyền thống văn hóa, là đời sống lao động thực sự của người dân bên trong và xung quanh những ngôi nhà sàn”, bà Thanh Hải chia sẻ.

Bảo tồn, gìn giữ tinh hoa dân tộc

Bản làng Thái Hải là nơi sinh sống của một cộng đồng gồm nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí cùng sinh sống và lao động sản xuất. Trong đó người Tày là tiêu biểu. Nhiều gia đình có 3-4 thế hệ cùng sinh sống. Hiện tại, làng Thái Hải là nơi sinh sống của gần 200 nhân khẩu vừa phát triển kinh tế vừa mang trên vai sứ mệnh bảo tồn và quảng bá những nét đẹp của dân tộc mình tới du khách.  

Những trải nghiệm có được tại “Gia đình Thái Hải” chắc chắc sẽ khiến nhiều du khách hoài thương nhớ khi trở về. Theo truyền thống của người Tày, đến đầu làng khách rẽ vào giếng làng, chung quanh xếp đá cuội, nước trong vắt để rửa mặt mũi, chân tay; quay ra chiếc mõ treo ở đầu làng gõ một hồi vang vọng.

Chị Chiên giải thích, giếng làng là nơi hội tụ sinh khí của trời đất, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng, dưới giếng nuôi mấy con cá cờ để mọi người nhận biết nước còn an toàn hay không. Rửa chân tay, mặt mũi tại giếng làng sẽ xua đi những điều không may mắn, giúp tâm hồn thanh tịnh. Gõ mõ để thông báo cho làng biết sắp có khách, từ lúc này du khách được coi là thành viên của làng.

Giếng làng là nơi gột rửa đi những điều không may mắn, giúp tâm hồn thanh tịnh.

Giếng làng là nơi gột rửa đi những điều không may mắn, giúp tâm hồn thanh tịnh. 

Trên con đường rộng rãi, lát gạch sạch sẽ, thoáng mát, yên ả, rợp bóng cây rừng, chốc chốc du khách lại bắt gặp một nếp nhà sàn ẩn dưới tán cây, thấp thoáng trên sườn đồi là những người dân trong trang phục chàm truyền thống. Các gia đình nhỏ ở Thái Hải không có sở hữu riêng, sản phẩm mỗi người làm ra đều được tập hợp lại, sau đó phục vụ cho nhu cầu của từng người và cộng đồng làng.

Các chi tiêu, nhu cầu sinh hoạt từ riêng tư đến thiết yếu của mỗi gia đình, cá nhân như bị ốm cần đi khám, chữa bệnh, con đi học, kể cả đi học đại học... đều có Trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải lo liệu. Vì thế, mỗi nhà đều có chức năng riêng, phân công lao động đạt đến trình độ khá cao.

Những ngôi nhà đặc trưng của Khu bảo tồn phải kể tới như: Nhà chè; nhà thuốc; nhà rượu; nhà bánh; nhà đan lát... Mỗi căn nhà là một nơi gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Điển hình như dưới mái ngôi nhà sàn truyền thống, các thành viên có trình độ về y học cổ truyền của “Nhà Thuốc” có trách nhiệm bảo tồn, thu hái, bảo quản, cung cấp những bài thuốc để chữa bệnh cho người làng. Ngoài ra, khi du khách có nhu cầu thì “Nhà Thuốc” cũng bán. “Nhà Rượu” thì chuyên nấu rượu, “Nhà Bánh” chuyên làm các loại bánh đặc trưng, “Nhà Đan lát” làm ra những đồ gia dụng bằng tre, nứa để làng dùng và bán cho du khách...

Mọi hoạt động sản xuất đều mang tính tự cung tự cấp. Họ trồng rau, cấy lúa, nuôi cá, chăn thả gia súc, sản xuất nước uống đóng chai, trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đặc trưng của dân tộc mình. Mọi hoạt động đều gắn với sinh thái, để bảo đảm không tác động tới môi trường và duy trì nguồn thực phẩm sạch để sử dụng. Mọi người đều cố gắng duy trì và gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Từ trang phục, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt hằng ngày cho tới những lễ hội truyền thống... Các sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính cộng đồng cao thường xuyên được tổ chức trong các đêm hội làng. 

Du khách nước ngoài cùng người dân Bản làng Thái Hải hảy múa trong đêm lửa làng
Du khách nước ngoài cùng người dân Bản làng Thái Hải hảy múa trong đêm lửa làng

Làng Thái Hải không chỉ bảo tồn nhà sàn, trang phục, đồ dùng của đồng bào dân tộc Tày vùng Định Hóa, mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngôn ngữ, ẩm thực, trò chơi truyền thống, hát then, đàn tính đến lễ hội, nghi lễ tâm linh. Trẻ em sáu tuổi trong làng được học hát then, đàn tính.

Để bảo tồn được những giá trị truyền thống ấy, cần những gia đình tâm huyết, hiểu biết, làm cho truyền thống văn hóa được phát huy. Mọi người đều được giáo dục tình yêu và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Làng luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để mọi người học và giao tiếp bằng tiếng Tày. Riêng các gia đình dân tộc trong “vùng lõi” của làng, bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Tày. Các em bé độ tuổi mầm non đã được bố mẹ, ông bà dạy cho giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Tày.

Vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ dài ngày, du khách trong nước và ngoài nước tìm đến Thái Hải để “sống chậm” cùng làng, nghe hát then, đàn tính thánh thót, chứng kiến nghi lễ văn hóa, lễ hội truyền thống, thưởng thức ly rượu thơm nồng, chén trà tinh khiết, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của người Tày và được ngủ dưới mái nhà sàn truyền thống...

Từ năm 2014, nơi đây được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Những người nông dân quen với ruộng đồng trở thành những hướng dẫn viên nhiệt tình giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Một số hình ảnh khác của Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải:

Khi tới với Bản làng Thái Hải du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc tuyệt vời của thiên nhiên
 Khi tới với Bản làng Thái Hải du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc tuyệt vời của thiên nhiên
Mọi sản vật tại đây đều được người dân tự tay sản xuất đảm bảo chất lượng
 Mọi sản vật tại đây đều được người dân tự tay sản xuất đảm bảo chất lượng
Du khách nước ngoài thích thú với những nét văn hóa của đồng bào tại Bản làng Thái Hải
 Du khách nước ngoài thích thú với những nét văn hóa của đồng bào tại Bản làng Thái Hải
Du khách thích thú với những nghề thủ công truyền thống của đồng bào Thái Hải

Du khách thích thú với những nghề thủ công truyền thống của đồng bào Thái Hải

Những giá trị văn hóa phi vật thể như hát Then, đàn tính... luôn được gìn giữ ở đây
 Những giá trị văn hóa phi vật thể như hát Then, đàn tính... luôn được gìn giữ ở đây
Lễ hội tại làng Sinh thái Thái Hải
Lễ hội tại làng Sinh thái Thái Hải 
Món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc luôn thu hút du khách.

Món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc luôn thu hút du khách. 

Tin cùng chuyên mục

TP Từ Sơn, Bắc Ninh: Bất thường tại dự án Trung tâm dịch vụ thương mại Long Châu

TP Từ Sơn, Bắc Ninh: Bất thường tại dự án Trung tâm dịch vụ thương mại Long Châu

(PLVN) -  Được cấp phép xây dựng từ năm 2017, tiến độ phải hoàn thành vào tháng 10/2022 nhưng dự án Trung tâm dịch vụ thương mại Long Châu tới thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều ngổn ngang, phần thô xây dựng các hạng mục còn chưa được hoàn thành. Dù vậy, ở dự án này đã xuất hiện vài hộ gia đình được chủ đầu tư cho phép vào sử dụng, biến những căn ki- ốt thành nhà ở.

Đọc thêm

Chàng trai dùng lửa vẽ tranh

Chàng trai dùng lửa vẽ tranh
(PLVN) - Lửa và giấy là hai vật liệu để Huỳnh Quốc Tuấn (quận 8, TP Hồ Chí Minh) tạo nên những bức tranh đầy tính nghệ thuật. Không chỉ thế, hiện tại chàng trai sinh năm 1994 còn phát triển thành kỹ thuật vẽ tranh lửa có màu, tạo nên một “trường phái” vẽ tranh rất độc đáo.

Vụ lấn chiếm hàng ngàn m2 đất ở Bình Định: Đã có quyết định xử phạt, người dân mong xử lý đến nơi đến chốn

2.717m2 đất nằm cạnh đường quốc lộ do UBND xã Cát Tường quản lý bị ông Tuấn xây dựng, lấn chiếm.
(PLVN) -  Vụ việc một cá nhân ngang nhiên xây dựng, lấn chiếm hàng ngàn m2 đất xảy ra ở xã Cát Tường (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước về đất đai. Dư luận đang chờ kết quả xử lý cán bộ để xảy ra sai phạm của UBND huyện Phù Cát.

Sữa non Grow ra mắt dòng sản phẩm cao cấp thế hệ mới “Sữa Non Hạt Óc Chó” giúp trẻ phát triển toàn diện.

Sữa non hạt óc chó cung cấp dinh dưỡng đặc biệt giúp trẻ phát triển toàn diện.
(PLVN) - Làm thế nào để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí não luôn là nỗi bận tâm của các mẹ. Là sản phẩm được nhiều bà mẹ tin dùng và chia sẻ, sữa non hạt óc chó Grow colostrum là một trợ thủ đắc lực giúp trẻ ăn ngon, cao lớn vượt trội và tăng cường đề kháng.

Lả lướt cùng thư pháp trên lá sen khô

Lả lướt cùng thư pháp trên lá sen khô
(PLVN) - Tại không gian Thư pháp lá sen của Lễ hội Sen tỉnh Đồng Tháp lần thứ nhất diễn ra hồi cuối tháng 5 vừa qua, đã có rất nhiều lượt khách tham quan, thưởng ngoạn nét thư pháp lả lướt, độc đáo của “thầy đồ trẻ” - Trịnh Phi Long. Nhiều du khách đã được “thầy đồ” Phi Long giao lưu, tặng chữ trên lá sen khô…

Men theo tiếng Quảng, anh về…

Men theo tiếng Quảng, anh về…
(PLVN) - Lẽ thường, khi quý thương và muốn sẻ chia, tỷ như viết một chút gì đó, kể một chuyện nào đó, người ta ít ra phải có thời gian gắn bó hoặc cưu mang, ám ảnh bằng dăm ba kỷ niệm với đất, với người...

Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng: Điểm đến duy nhất, hấp dẫn và khác biệt

Vẻ đẹp kỳ vĩ, huyền ảo tại động Tiên Sơn.
(PLVN) - Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) là một trong những mẫu hình riêng biệt, đẹp nhất ở Việt Nam và thế giới. Những giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, sinh thái đã tạo ra một Di sản duy nhất, hấp dẫn, khác biệt là trái tim của du lịch Quảng Bình.

Phát triển kinh tế từ văn hóa bản làng

Homestay đang tạo ra sinh kế mới cho phụ nữ A Lưới.
(PLVN) - Đến huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế đầy hấp dẫn với màu xanh miên man từ đại ngàn đến những bản làng trù mật, du khách được khám phá miền đất đưa con người về gần với thiên nhiên cùng những trầm tích văn hóa...

Chuyện "lạ" ở Phù Cát (Bình Định): Lấn chiếm hàng ngàn m2 đất ngay đường quốc lộ, gần trụ sở xã

Nhận chuyển nhượng 1.860,3m2 nhưng ông Tuấn xây dựng tường, rào với diện tích lên tới 5.768,1m2, trong đó có hàng ngàn m2 do UBND xã quản lý.
(PLVN) -  Một cá nhân ngang nhiên xây dựng, lấn chiếm hàng nghìn m2, rồi trồng cây, trên đất do UBND xã quản lý nhưng vị chủ tịch UBND xã lại "đổ lỗi" cho nhiệm kỳ trước?! Điều đáng nói, khu đất này nằm cạnh đường quốc lộ, gần trụ sở UBND xã. Sai phạm giữa ban ngày khiến người dân địa phương đặt dấu chấm hỏi: Chính quyền địa phương ở đâu?

Lạnh gáy lời khai của người đàn bà sát hại chồng câm điếc

 Bị cáo Hoàng Thị Ngân.
(PLVN) - Cuộc hôn nhân vợ khỏe mạnh - chồng câm điếc từng được hàng xóm ngưỡng mộ. Sau 16 năm chung sống, những mâu thuẫn tích tụ: bất đồng ngôn ngữ, chồng trái tính trái nết, đời sống vợ chồng không hòa hợp, vợ ngoại tình... là những nguyên nhân khiến thảm kịch xảy ra... 

Người dân kiến nghị làm rõ văn bản của Tòa Bình Dương

Người dân kiến nghị làm rõ văn bản của Tòa Bình Dương
(PLVN) -  Bất đắc dĩ phải “đáo tụng đình”, người dân mong muốn vụ việc sẽ được hội đồng xét xử phán xét một cách công minh, thỏa đáng. Thế nhưng, trong vụ án này, sau nhiều lần xét xử, những khúc mắc lại… có phần còn rắc rối hơn.