Báo Pháp luật Việt Nam nhận được Đơn kêu cứu tập thể của người dân khu phố 4C, phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) về tình trạng sống tạm bợ của nhiều thế hệ trong suốt nửa thế kỷ.
Bà Nguyễn Thị Lâm (93 tuổi) cho biết, gần 15 năm trước, gia đình bà và các hộ dân được thông báo: UBND tỉnh Đồng Nai quyết định phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng và phát triển rừng phòng hộ môi trường, cảnh quan lâm trường Biên Hòa trong đó có đất của 142 hộ dân đang sinh sống tại đây. Từ đó đến nay, các hộ dân không được hưởng các quyền lợi thiết yếu của một khu dân cư.
142 hộ dân chờ đợi câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng |
Trong khi đó, gia đình bà Trần Thị Lệ Xuân, cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống. Suốt 44 năm về đây khai hoang, sinh sống, gia đình bà vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà cho biết, bố của bà là ông Trần Văn Đính trực tiếp khai hoang khu kinh tế mới này từ năm 1976. Trải qua 4 đời sinh sống, đến nay bà vẫn chưa nhận được quyền lợi chính đáng của mình. Bà Xuân cho biết, cũng vì quyết định thu hồi đất năm 1987 của UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa khiến gia đình bà và hàng trăm hộ dân ở đây gặp khó khăn đủ đường, trong đó phải trả phí tiêu thụ điện cao gấp nhiều lần giá hiện hành.
Cùng cảnh ngộ với bà Nguyễn Thị Lâm và bà Trần Thị Lệ Xuân, anh Nguyễn Thanh Hải cho biết, ông bà của anh đến dốc đá trắng xưa, nay là Khu phố 4C, phường Trảng Dài khai hoang lập ấp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước từ năm 1976. Khi đó, vùng đất này còn hoang sơ, rừng rú.
Mặc dù sinh sống ở đây gần 44 năm và trải qua 4 đời nhưng gia đình anh Hải vẫn không được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng từ đó, mà mọi thủ tục hành chính khác bị ách lại. Mới đây, anh định sửa lại căn nhà để mở rộng kinh doanh, buôn bán thì bị Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1976 một số hộ sinh sống tại khu Phúc Hải, phường Tân Phong được nhà nước đưa đến khu vực này phát triển kinh tế mới. Sau khi khai hoang, ổn định cuộc sống thì đến năm 1985 một số hộ dân được Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp chứng nhận nhà ở.
Từ năm 1992 đến năm 1995, Nhà nước triển khai thu thuế đất nông nghiệp đối với các hộ dân nói trên. Năm 1996, Chủ tịch UBND Thành phố Biên Hòa ra quyết định về việc ổn định dân cư.
Theo đó, năm 2000, các hộ dân được Sở Địa chính đo đạc, cấp biên nhận và đến năm 2006 cơ quan này lại đo lại một lần nữa. Theo đó, đất các hộ dân có số tờ số thửa rõ ràng và được UBND phường Trảng Dài phát tờ kê khai làm hồ sơ đóng thuế đất nông nghiệp, thuế nhà.
Tưởng cuộc sống sẽ ổn, đáp ứng được nguyện vọng an cư lạc nghiệp lâu nay thì bất ngờ, hàng trăm hộ dân được thông báo ngưng toàn bộ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì lý do đất của họ nằm trong khu quản lý của Lâm trường Biên Hòa.
Người dân không thể mở rộng sản xuất kinh doanh vì chưa có giấy chứng nhận QSDĐ. |
Trong hồ sơ khiếu nại quyết định của UBND tỉnh gửi đi khắp nơi, các hộ dân cho rằng: Quyết định 613 ngày 14/4/1987 giao đất cho Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa quản lý, trong đó có đất của 142 hộ dân đã khai hoang, sinh sống ổn định từ năm 1976 là không đúng quy định.
Bởi vì, theo Quyết định 201 ngày 1/7/1980 của Chính phủ thì, việc giao đất nông nghiệp, đất thổ cư ở nông thôn trên 2 héc ta hoặc phải di dân trên 20 hộ để lấy đất làm việc khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong khi đó, từ năm 1976 đến nay, người dân ở đây đã khai hoang, trồng trọt và đóng thuế đất liên tục cho đến nay.
Ông Dương Văn Khánh bên cạnh ngôi nhà trước đây bị cưỡng chế của bố mình là ông Dương Văn Tỏ. |
Hiện tại, 142 hộ dân đang sống tại tổ 54, Khu phố 4C phường Trảng Dài và KP 10 phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang trông chờ một quyết định rõ ràng, thỏa đáng từ các cơ quan chức năng để ổn định cuộc sống.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.