Yang Huixuan, 22 tuổi, năm nay tốt nghiệp đại học, mới đây chuyển sang vay trực tuyến để chi trả cho các bữa ăn bên ngoài, mỹ phẩm và quần áo. Cô không thể chi tiêu tiết kiệm với số tiền 215 USD từ gia đình hàng tháng mà thường vay thêm khoảng 100 USD nữa.
Wang Xinyu, 24 tuổi, tiết lộ anh có khoản nợ khoảng 11.200 USD với sáu thẻ tín dụng, phần lớn được tiêu khi học đại học.
Liu Biting, 25 tuổi, nói rằng cô dành tất cả tiền lương của mình mỗi tháng, khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) từ công việc tiếp thị ở Thượng Hải, để chi tiêu. Khoảng một phần ba cô trả tiền thuê nhà, phần còn lại chi cho mua sắm thực phẩm, quần áo và dịch vụ. Đến nay, Liu rơi vào cảnh nợ nần.
Liu chia sẻ: “Đối với cha mẹ tôi, thế hệ của họ để có được một công việc tốt, một công việc ổn định họ sẽ tiết kiệm tiền, mua nhà và nuôi con. Còn chúng tôi thấy tiền là một thứ để tiêu. Bố mẹ tôi liên tục hỏi tôi đã tiết kiệm được bao nhiêu trong ba năm làm việc. Tôi nói xin lỗi, có lẽ không có gì. Tất cả bạn bè của tôi đều như vậy. Chúng tôi không có tiền tiết kiệm và chúng tôi không thực sự quan tâm đến điều đó.”
Giới trẻ Trung Quốc chi tiền tỷ cho việc mua sắm cá nhân |
Người trẻ tuổi giờ trở thành người tiêu dùng chính ở Trung Quốc, giám đốc điều hành của Alibaba - Daniel Zhang - nói với các phóng viên hồi tháng 11. Những người sinh sau năm 1990 đã chiếm gần một nửa số khách hàng trong các sự kiện mua sắm hàng năm của Sing Singles Day, khi Alibaba bán được khoảng 30,8 tỷ USD hàng hóa trong 24 giờ.
Gần một phần tư người mua xe hơi ở Trung Quốc là dưới 30 tuổi và con số đó dự kiến sẽ tăng lên khoảng 60% vào năm 2025.
Chi tiêu mạnh tay của giới trẻ cũng đang giúp các thương hiệu đồ uống như Heytea - một chuỗi cửa hàng trà cao cấp và là đối thủ cạnh tranh của Starbucks, Luckin Coffee, đã huy động được khoảng 571 triệu USD sau khi ra mắt công chúng vào đầu năm nay.
Đặc biệt giới trẻ Trung Quốc còn sẵn sàng trả tiền cho du lịch. Một báo cáo năm ngoái của Mastercard và Ctrip.com, trang web du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đã phát hiện ra rằng khoảng 1/3 khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đặt phòng với Ctrip sinh sau năm 1990. Họ chi tiêu nhiều hơn cho một chuyến đi so với những người sinh năm 1980.
Việc tiêu thụ các sản phẩm giúp Trung Quốc đa dạng hóa nền kinh tế vào thời điểm quan trọng, dựa vào xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều thập kỷ. Các hình thức mua sắm mới đã mang lại lợi ích cho tập đoàn Alibaba Group Ltd., Tencent Holdings Ltd. và các công ty công nghệ khác có sự tăng trưởng nhanh chóng đã giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.
Đua nhau vay mượn
Các khoản vay ngắn hạn từ các công ty cho vay trực tuyến như Ant Financial Services Group góp phần thúc đẩy chi tiêu. Ant Financial tính lãi lên tới gần 16% hàng năm, tùy thuộc vào hồ sơ tín dụng của người vay. Một cuộc khảo sát năm 2018 tại Trung Quốc bởi Rong360 cho thấy, khoảng một nửa số người đã vay tiêu dùng được hỏi nói rằng mình ra đời sau năm 1990. Theo khảo sát, gần một phần ba đã vay các khoản vay ngắn hạn để trả các khoản nợ khác, và một nửa trong số đó rơi vào nợ xấu.
Sự phát triển của các công ty cho vay giúp phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng nhưng cũng khiến thế hệ trẻ chi tiêu quá mức. Bất chấp lãi suất “cắt cổ”, số lượng người trẻ vay tín dụng tiêu dùng vẫn tăng lên từng ngày.
Gánh nặng nợ nần |
Các nhà chức trách đã tạm dừng cấp giấy phép cho những công ty cho vay trực tuyến mới kể từ cuối năm 2017 và thắt chặt giám sát để đảm bảo lãi suất cho một số khoản vay được giới hạn ở mức 36%/năm.
Tính đến tháng 7, khoảng 800 đơn vị cho vay vẫn hoạt động so với con số hơn 2.600 vào đầu năm 2016. Theo wdzj.com, chi tiêu tiêu dùng trung bình của chủ thẻ tín dụng Trung Quốc độ tuổi từ 21 đến 30 trong năm 2016 khoảng 8.820 USD, cao hơn 39% so với hạn mức tín dụng trung bình là 6.360 USD. Người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn giới hạn tín dụng của mình bằng cách vay thêm từ các kênh khác, chẳng hạn như người cho vay trực tuyến hoặc với trợ cấp từ gia đình.
JPMorgan ước tính tỷ lệ nợ hộ gia đình của Trung Quốc trên tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng lên 61% vào năm 2020. Con số đó tăng từ 26% trong năm 2010 và cao hơn mức hiện tại ở Ý và Hy Lạp. Trong khi, ở Mỹ là khoảng 76% sau khi giảm từ 98% vào năm 2006, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Trái lại, một số người lo ngại, nếu người trẻ Trung Quốc mất việc hoặc bị cắt giảm lương và phải cắt giảm mạnh chi tiêu sẽ khiến tăng trưởng chậm lại.
Cha mẹ thường giúp thanh niên Trung Quốc mua một ngôi nhà, điều mà ông Tao - một nhà kinh tế tại Credit Suisse ở Hồng Kông - coi là một mối nguy hiểm. Với nhiều thế hệ hiện nay cần phải có tài sản của riêng mình. Một hiện tượng tương tự đã xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 1980, đôi khi phải cần đến ba thế hệ, để giúp trả tiền thế chấp. Nền kinh tế Nhật Bản cuối cùng đã bước vào một sự suy giảm kéo dài khi giá cổ phiếu và tài sản bất động sản điều chỉnh.
Yu Yu, 26 tuổi, làm việc trong lĩnh vực nhân sự cho công ty công nghệ Đức - Robert Bosch GmbH tại Thượng Hải - cho hay hiện anh cảm thấy áp lực kinh tế đè nặng hơn, bao gồm cả phần giúp đỡ chăm sóc bố mẹ. Nhưng anh lại không ngần ngại chi tiêu cho những bữa ăn ngon và du lịch. Yu đặt mục tiêu đi du lịch hai lần một năm, bao gồm cả những chuyến đi đến Nhật Bản, Campuchia và Thái Lan.
“Đối với tôi, nếu tiền không phải là chi tiêu để hưởng thụ và mang lại cho bạn hạnh phúc, vậy thì là gì? Chúng ta có nên sống để có thể tiết kiệm tiền không?”, Yu nói.