Hai cặp mắt trẻ thơ ở hàng ghế dành cho phía bị hại vẫn khiến nhiều người chú ý, dù phòng xử án chật kín. Hai đứa trẻ ấy - một 7 tuổi, một vừa tròn 8 tuổi – được người lớn đưa đến phiên tòa này để chứng kiến thời khắc kẻ đâm chết cha mình phải đền tội...
Từ quý tử thành “quậy tử”
Đứng trước vành móng ngựa là bị cáo Nguyễn Ngọc Ẩn (sinh ngày 21/5/1994), một thiếu niên có thân hình to cao, nước da trắng trẻo. Mới 17 tuổi đời nhưng Ẩn đã bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Ẩn nghênh ngáo trước vành móng ngựa. |
Nguyễn Ngọc Ẩn được sinh ra và lớn lên tại ấp Hiệp Ngãi, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Gia đình có của ăn, của để nên ngay từ nhỏ, Ẩn đã được nuông chiều, không phải lo đến cái ăn, cái mặc.
Ẩn còn là cháu đích tôn trong gia đình nên được cha mẹ và ông bà nội “cưng như trứng mỏng”, muốn gì được náy. Có lẽ vì vậy mà Ẩn ỉ lại, sinh ra hư hỏng, ngay từ nhỏ đã chây lười học tập, suốt ngày đi rông, học hết lớp 9 thì bỏ ngang, thường xuyên cùng bạn bè nhậu nhẹt, gây rối trật tự công cộng, gây sự đánh nhau, quậy phá... và nhanh chóng nổi danh với biệt danh Ẩn “quậy”.
Ngày 9/5/2010, Ẩn bị UBND xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh nhau với mức phạt 350.000 đồng. Nhưng từ đây, bị cáo càng thể hiện thói côn đồ.
Gia đình Ẩn kinh doanh tiệm internet, giao cho Ẩn quản lý. Vốn là đứa trẻ “coi trời bằng vung”, những trò chơi bạo lực trên mạng càng ảnh hưởng đến Ẩn và chuyện đáng tiếc đã xảy ra.
Khoảng 15h30 ngày 23/10/2010, khi Ẩn đang quản lý tiệm internet của gia đình thì ông Phòng Huy Hoàng (ở cùng xã) cầm dây xích vào tìm cháu mình. Tại đây, ông Hoàng và Ẩn đã cự cãi. Ông Hoàng bỏ đi được 5 phút sau thì quay lại, đứng trước tiệm chửi Ẩn.
Ẩn lấy một cái tua-vít chạy ra nói: “Ông mà chửi nữa là tôi đâm chết cho biết mặt”. Ông Hoàng dùng dây xích đánh vào người Ẩn (không gây thương tích). Ẩn cầm tua-vít đâm nhiều nhát vào ngực ông Hoàng, làm nạn nhân tử vong.
Ngang ngược đến cùng
Khi vị chủ tọa hỏi: “Vì sao bị cáo đâm chết ông Hoàng?”, Ẩn đáp do ông Hoàng chửi và đánh bị cáo trước nên bị cáo phòng vệ, chứ không có ý định giết người. “Ông Hoàng chửi, đánh bị cáo thì bị cáo chống trả, chả lẽ lại để bị đánh à?”, Ẩn hỏi ngược lại HĐXX.
HĐXX hỏi tiếp: “Bị cáo có hối hận về việc mình làm không?”. Ẩn đáp cộc lốc, không chút run sợ: “Bị cáo không có lỗi nên không hối hận”.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía nạn nhân phân tích hành vi của bị cáo Ẩn là hết sức nguy hiểm cho xã hội, bị cáo là một thiếu niên có tính côn đồ, ngang ngược tại địa phương, khi thực hiện hành vi phạm tội có chuẩn bị trước và mục đích là tước đoạt tính mạng của ông Hoàng chứ không phải là tự vệ theo lời của bị cáo. Bị cáo phải bị truy tố về tội “Giết người”.
Phía gia đình nạn nhân yêu cầu bị cáo bồi thường chi phí mai táng, tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng cho hai đứa con và một cháu nội đều chưa thành niên của ông Hoàng với tổng số tiền là 1,2 tỷ đồng.
Vị công tố viên tại phiên tòa nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm, có chuẩn bị trước hung khí để tấn công ông Hoàng chứ không phải là phòng vệ, việc bị cáo đâm ông Hoàng chỉ mong muốn gây thương tích chứ không mong muốn tước đoạt tính mạng của ông Hoàng.
Tuy nhiên, bị cáo là người chưa thành niên nên cần thiết áp dụng chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm giáo dục nên đề xuất HĐXX xem xét mức án cho bị cáo từ 6 đến 8 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý, bị cáo không mong muốn gây ra cái chết cho nạn nhận, việc ông Hoàng chết là ngoài ý muốn và bị cáo là người chưa thành niên nên giảm một phần hình phạt cho bị cáo nên tuyên phạt bị cáo 7 năm tù giam. Về trách nhiệm dân sự, Tòa buộc cha, mẹ bị cáo bồi thường 76 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Phiên tòa kết thúc cha, mẹ của bị cáo khóc tức tưởi nhìn theo chiếc xe áp giải tù nhân từ từ lăng bánh, đưa bị cáo đi xa dần.
Thanh Nguyễn