Ga Hà Nội có thể không còn là ga đầu mối tuyến đường sắt quốc gia

Tổ hợp Ga Ngọc Hồi được đề xuất sẽ thay thế Ga Hà Nội hay làm đầu mối tuyến đường sắt quốc gia.
Tổ hợp Ga Ngọc Hồi được đề xuất sẽ thay thế Ga Hà Nội hay làm đầu mối tuyến đường sắt quốc gia.
(PLVN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TP Hà Nội đã thống nhất đề xuất tuyến đường sắt quốc gia phía Nam sau này sẽ dừng ở Ngọc Hồi và phía Bắc sẽ dừng ở Yên Viên. Đoạn tuyến đường sắt từ Tổ hợp Ngọc Hồi đến Ga Yên Viên sẽ triển khai xây dựng thành tuyến đường sắt đô thị.

Muốn đưa ga đầu mối ra khỏi trung tâm 

Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ và một số bộ, ngành làm rõ một số nội dung liên quan kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên, trong đó có đề xuất lựa chọn ga đầu mối tuyến đường sắt quốc gia sau này.

Tại văn bản, Bộ GTVT cho biết: Ngày 20/8/2019, Bộ đã đề xuất Thủ tướng cho Bộ phối hợp UBND TP Hà Nội nghiên cứu, tổ chức lại các ga đầu mối đường sắt quốc gia trên địa bàn Hà Nội. 

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch theo hướng đưa các ga ra khỏi trung tâm TP nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp vận, phân phối và trung chuyển hành khách, hàng hóa giữa các loại hình vận tải, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, Bộ cũng đề xuất Thủ tướng chấp thuận thực hiện đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi chỉ đáp ứng chức năng đường sắt đô thị, không đầu tư xây dựng hợp phần đường sắt quốc gia để chạy chung với tuyến đường sắt đô thị này.  

Bộ GTVT cũng thông tin, ngày 7/9/2019, UBND TP Hà Nội đã có ý kiến về kế hoạch thực hiện tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên. Theo đó, Hà Nội thống nhất với đề xuất nêu trên của Bộ GTVT. Văn bản phản hồi từ phía UBND TP Hà Nội đã đồng ý: Tuyến đường sắt quốc gia phía Nam sẽ dừng ở Ngọc Hồi và phía Bắc sẽ dừng ở Yên Viên. Còn đoạn tuyến đường sắt từ Tổ hợp Ngọc Hồi đến Ga Yên Viên sẽ triển khai xây dựng thành tuyến đường sắt đô thị. 

Bộ GTVT cho rằng, với các nội dung đã được thống nhất, trong thời gian tới (triển khai lập quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương  theo quy định của Luật Quy hoạch), Bộ và UBND TP Hà Nội sẽ nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi theo hướng tập trung đáp ứng chức năng của đường sắt đô thị.  

Phải chờ Hội đồng thẩm định Nhà nước

Theo tìm hiểu, mục tiêu đầu tư Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên ban đầu là vừa nhằm cải thiện tình trạng giao thông đô thị Hà Nội, vừa kết hợp nâng cao năng lực khai thác của tuyến đường sắt quốc gia.

Quyết định số 519 ngày 31/3/2016 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội cũng xác định tuyến đường sắt đô thị số 1 đi trên cao, có xem xét phương án đi kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia. 

Tại tờ trình về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ngày 14/2/2019, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng lựa chọn Ga Hà Nội là điểm đầu của Dự án đường sắt cao tốc  Bắc - Nam. Theo đó, bắt đầu từ Ga Hà Nội, đi theo hướng song song với đường sắt hiện tại; đoạn từ Ga Hà Nội đến Ga Ngọc Hồi đi tách riêng hoặc đi trùng với đường sắt đô thị tuyến số 1.  

Với đề xuất mới của Bộ GTVT, ga đầu mối tuyến đường sắt quốc gia sau này là ở vị trí Ngọc Hồi thay vì vị trí Ga Hà Nội; và tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên chỉ đáp ứng chức năng của đường sắt đô thị chứ không còn mục tiêu kết hợp như trước, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này là đi ngược với các quy hoạch và mục tiêu ban đầu của các dự án. 

Dù Bộ GTVT thừa nhận đề xuất trên có thay đổi so với mục tiêu ban đầu của tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên và quy hoạch GTVT hiện hành. Tuy nhiên, theo Bộ này, kể từ khi chủ trương đầu tư tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên được phê duyệt đến nay có nhiều quy định mới về quy hoạch được ban hành (Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Thủ đô 2012, Luật Quy hoạch 2018) cũng như thực tiễn phát triển đô thị trên địa bàn TP Hà Nội nên việc rà soát dự án là cần thiết.

Bộ GTVT giải thích, về đề xuất đoạn từ Ngọc Hồi về Ga Hà Nội đường sắt cao tốc đi chung với tuyến đường sắt đô thị số 1 chỉ là phương án tổ chức vận tải. Phương án này thời kỳ đầu, khi nhu cầu vận tải đường sắt đô thị chưa cao sẽ xem xét tổ chức khai thác tàu tốc độ cao tiếp cận vào tới Ga Hà Nội; ngược lại khi nhu cầu đường sắt đô thị cao sẽ xem xét dừng tàu ở Ngọc Hồi. 

Đánh giá về đề xuất chọn Ga Hà Nội hay tổ hợp Ga Ngọc Hồi làm đầu mối tuyến đường sắt quốc gia, trong một văn bản tham gia ý kiến về kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh dự án Ngọc Hồi - Yên Viên trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện Hội đồng thẩm định Nhà nước đang xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, do đó chưa có căn cứ để xem xét đề xuất của Bộ GTVT. Việc tiếp tục thực hiện tổ hợp Ngọc Hồi cần được xem xét trong tổng thể dự án. Bộ GTVT cần làm rõ tiến độ, nguồn vốn, hiệu quả đầu tư để đồng bộ khai thác tổ hợp này trong phạm vi đầu tư toàn thể dự án. 

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.