Những cú lừa ngoạn mục
Vào năm 2014, qua một người bạn cùng quê, anh Lê Đăng Xuân (ngụ quận Thủ Đức) quen biết với Trương Minh Sĩ. Trong những lần gặp gỡ uống cà phê, người này giới thiệu mình là cháu ruột của một cán bộ lãnh đạo trong Bộ Công an. Sĩ “chém gió” rằng, vì không thích những nguyên tắc, kỷ luật khắt khe nên hắn không vào ngành công an như các “cậu” mà tự mở công ty xây dựng làm ông chủ.
Sĩ “nổ” rằng, bản thân có mối quan hệ thân thiết với nhiều quan chức “tai to mặt lớn”, có khả năng “phù phép” điểm thi của học sinh, sinh viên từ thấp thành cao. Riêng việc chạy trường, chạy việc làm, gã chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là đâu vào đấy. Sĩ ra giá mỗi suất xin việc 150 triệu đồng và để thiên hạ khỏi xì xào, người xin điểm, xin việc cũng phải nộp hồ sơ thi tuyển theo đúng quy định. Bằng cái mồm quỷ quyệt, với chiêu bài này, Sĩ đã lừa được nhiều người “nhẹ dạ cả tin”.
“Lúc ấy gia đình tôi có 4 đứa cháu vừa thi tốt nghiệp phổ thông và đều có nguyện vọng thi vào ngành công an. Khi nghe tôi nói quen biết với người lo được vào trường ai cũng mừng, chạy đôn chạy đáo đi mượn tiền. Để không lỡ việc, chính tôi cũng phải đi vay giúp cho anh chị 60 triệu đồng để đủ 600 triệu đưa cho Sĩ”, anh Xuân kể lại.
Theo lời kể của nạn nhân, lúc nhận tiền Sĩ còn nói: “Mấy chuyện chạy chọt này tin nhau là chính không cần ghi giấy tờ phiền phức” nhưng bản thân cẩn thận nên anh Xuân vẫn ghi đầy đủ nội dung, số tiền để Sĩ và người làm chứng ký nhận. Thế nhưng trong kỳ thi đại học 2014, cả 4 người cháu của anh Xuân đều không đỗ. “Các cháu tôi đều đạt 20-21 điểm nhưng điểm sàn của trường cảnh sát năm đó lấy 23 điểm. Tôi gọi điện hỏi, Sĩ còn giả bộ bảo vẫn đang lo chạy điểm”, anh Xuân thuật lại.
Nghi ngờ bị lừa, anh Xuân yêu cầu Sĩ đọc điểm thi của từng người nhưng Sĩ đọc sai rồi nói đang giờ làm việc và tắt máy. Không có cánh nào khác, mọi người tiếp tục hy vọng và chờ đợi. Tuy nhiên, khi các tân sinh viên đã có giấy nhập học thì Sĩ vẫn “thao thao bất tuyệt” với anh Xuân rằng mình đang bàn chuyện điểm với các “quan”, vài tuần nữa sẽ có giấy gọi nhập trường. Biết mình bị lừa, nạn nhân đánh bài ngửa đòi lại tiền, Sĩ cúp máy và lặn mất tăm từ đó.
“Gọi điện, nhắn tin hắn đều không trả lời. Các anh chị nghi ngờ tôi thông đồng với hắn lừa người nhà khiến tình cảm anh em chúng tôi bị sứt mẻ. Để minh oan, suốt một năm qua tôi gần như gác mọi việc để truy tìm đối tượng”, anh Xuân chia sẻ. Tuy nhiên, Sĩ đã có kế hoạch từ trước nên việc tìm ra hắn không dễ dàng gì. Hôm đến công ty của hắn, anh Xuân tá hỏa khi gặp rất nhiều cùng cảnh ngộ cũng đang tìm Sĩ đòi lại tiền.
Anh Nguyễn Hoàng Nam (ngụ tại Đồng Nai, một nạn nhân của Sĩ) kể: “Tháng 10/2014, tôi gặp Sĩ thông qua một người bạn. Sĩ cũng nói là cháu của một trung tướng làm lãnh đạo của Bộ Công an, có khả năng sắp xếp công việc trong ngành hải quan với giá 160 triệu đồng. Nghĩ tới đứa cháu đã học xong đại học hai năm vẫn chưa xin được việc làm, tôi liền gọi cho người nhà ai cũng mừng bảo tôi nhờ hắn giúp đỡ”.
Theo lời anh Nam, Sĩ kêu anh đưa trước cho hắn 40 triệu để lo “trà nước”, khoảng một tuần sau hắn yêu cầu đưa thêm 20 triệu đồng. Hắn nói 15 ngày nữa sẽ có quyết định nhận việc. “Tới ngày đó không thấy nơi nào gọi cháu đi làm, tôi liên lạc với Sĩ để hỏi thì điện thoại không liên lạc được. Nóng ruột, tôi tìm đến công ty hắn thì chủ nhà thông báo, Sĩ đã trả nhà và dọn đi được mấy ngày. Không xin được việc, lại mất tiền, anh chị gây áp lực, sợ mang tiếng, tôi phải chạy vạy mượn tiền để trả cho anh chị”, nạn nhân kể.
Ông N.V.B (ngụ tại quận 2, TP.Hồ Chí Minh) cũng vì tin lời “nổ” của Sĩ đã giao cho hắn 450 triệu đồng để lo công việc cho con và 2 đứa cháu ruột để rồi “tiền mất tật mang”. Không may mắn như những nạn nhân trên, sau khi giao cho tên lừa đảo Sĩ 130 triệu đồng để lo việc cho đứa cháu không thành, ông Đ.V.T bị gia đình người cháu đến gây áp lực buộc phải hoàn lại tiền. Do không có tiền để đưa lại, cũng không biết làm cách nào, ông T buồn chán bỏ nhà.
Hành trình “giăng lưới” tóm kẻ lừa đảo
Cuộc gặp gỡ bất ngờ ở trụ sở công ty Sĩ thì khiến các nạn nhân ai nấy đều choáng váng khi biết Sĩ là tên lừa đảo chuyên nghiệp. Song song với việc gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng, mỗi người một ngả chia nhau đi tìm Sĩ. Hành trình hơn nửa năm ròng rã lần theo kẻ lừa đảo được anh Xuân mệt mỏi kể lại.
Khi bị hỏi dồn, Sĩ nói dối là đang ở quê vợ, anh Xuân lập tức về đó nhưng không thấy. Tiếp đó, tên lừa đảo lại nói đang chữa bệnh ở Bệnh viện 175, anh lại đến tất cả các phòng của bệnh viện vẫn không tìm ra. Gọi điện hỏi Sĩ thì hắn nhắn tin bảo đã chuyển về Bệnh viện Trà Vinh mấy ngày trước. Không nản lòng, các nạn nhân chia nhau đi tất cả các bệnh viện lớn nhỏ ở miền Tây tìm kiếm nhưng vô vọng. Nghe ngóng thông tin Sĩ đang nhận công trình ở Đắk Nông, Đắk Lắk... anh Xuân lại bắt xe đi tìm khắp các công trình xây dựng ở các tỉnh Tây Nguyên.
“Hễ nghe tin hắn ở đâu là tôi tới đó tìm. Nghĩ hắn ở trong tối mình ở ngoài sáng khó tìm nên chúng tôi quyết định phải nghĩ cách dụ hắn lộ diện”, nạn nhân chia sẻ. Do biết trong quá trình bỏ trốn, Sĩ vẫn liên lạc và nhận công trình xây dựng nên mọi người bàn bạc giả làm khách hàng. Đầu tháng 7/2015, em gái anh Nam gọi điện cho Sĩ nói đang cần xây dựng công trình lớn ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) nếu làm được thì hẹn gặp nhau ký hợp đồng.
Thấy “món lớn”, Sĩ nhanh chóng đồng ý nhưng lại cảnh giác cử người khác đến ký hợp đồng thay với lý do đang bận công tác ở Campuchia chưa về kịp. Phía khách hàng không đồng ý, yêu cầu phải gặp trực tiếp giám đốc mới chịu giao công trình nên Sĩ đành hẹn sẽ liên lạc lại. Đúng như lời hẹn, mấy hôm sau tên lừa đảo liên lạc lại và hẹn tới quán cà phê ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) bàn việc. Khoảng 14h ngày 15/7/2015, Sĩ chạy xe máy tới điểm hẹn gặp khách hàng.
Đúng lúc gã đang hí hửng vì kiếm được mối hời thì các nạn nhân cùng xuất hiện. “Thấy tôi và anh Nam bước vào Sĩ tái xanh mặt mày nhưng vẫn gượng cười đứng lên bắt tay chào hỏi. Lúc đó, Sĩ run cầm cập không dám phản kháng gì. Để tránh bị “tố” ngược, tôi điện thoại báo cho Công an quận 12 và nhờ một số người xung quanh làm chứng. Sợ bị bắt nợ, Sĩ tiếp tục “nổ” trong nhà mình còn nhiều tiền và đất đai. Chỉ cần cho hắn về nhà thì sẽ kêu vợ mang tiền, sổ đất đi cầm trả nợ cho mọi người nhưng không còn ai tin gã”, anh Xuân kể.
Sau đó các bị hại đưa Sĩ về công an phường Thạnh Lộc (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) để làm rõ vụ việc. Tại trụ sở công an, Sĩ đã thừa nhận những hành vi giả danh để lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của mình. Hắn khai do làm ăn thua lỗ nên phải tìm cách khác để gỡ gạc lại vốn liếng. Qua tìm hiểu, biết nhu cầu chạy trường, chạy việc đang “sốt” nên Sĩ giả danh là cháu ruột của các quan chức lớn để dễ lừa đảo. Nhờ mác giám đốc, ăn mặc bảnh bao và có một số mối quan hệ nhất định, Sĩ dễ dàng tiếp cận và lừa được gần 10 “con mồi” chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng. Hiện, vụ viện đang được Công an quận 12 tiếp tục mở rộng điều tra./.