Đó là ông Nguyễn Viết Thủy (59 tuổi), thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội), mỗi năm nuôi hai lứa gà Mía lai (8.000 con/ lứa) đều đặn thu lãi ròng từ 300-500 triệu đồng/ năm. Nhờ nuôi gà, ông xây được ngôi nhà tiền tỷ.
Đi theo cách riêng
Ông Thủy đến với nghề nuôi gà từ năm 2001. Thời gian mới vào nghề, ông “tập nuôi” 50 con gà Mía lai (giống lai giữa gà ta và gà Mía). Thực tế nuôi cho thấy giống gà này có chất lượng thịt ngon lạ, ông Thủy quyết định theo đuổi nuôi gà Mía lai.
Số lượng đàn gà lần lượt được vợ chồng ông gia tăng 500 con rồi 1.000 con (năm 2003). “Thời điểm ấy ít người nuôi gà Mía lai, thấy tiềm năng có thể bán con giống tôi phát triển đàn gà theo hướng nhân giống để bán”, ông Thủy cho hay. Vậy là từ năm 2003- 2010, vợ chồng ông Thủy chuyên nuôi gà Mía lai sinh sản, mỗi năm ông bà bán ra thị trường hàng vạn con gà giống, thu về hàng trăm triệu đồng.
Đến năm 2011, số lượng người nuôi gà Mía lai sinh sản nở rộ, thị trường con giống bão hòa, vợ chồng ông liền chuyển sang nuôi gà thương phẩm. Từ đó đến nay, mỗi năm, vợ chồng lão nông thả nuôi 2 lứa gà Mía lai (trung bình 8.000 con/lứa, mỗi lứa kéo dài 5 tháng). “Một năm khoảng 1,6 vạn con gà thịt nuôi thả vườn, ăn độn ngô, thóc nên gà cho thịt rất chắc ngon, bán được giá. Trọng lượng lúc xuất bán gà trống đạt 2-2,1 kg/ con, gà mái từ 1,6-1,7kg/ con. Giá bán tùy thời điểm giao động từ 70-90 nghìn đồng/kg. Hàng năm, trừ chi phí gia đình bỏ ra được hàng trăm triệu”, chủ trang trại vui vẻ nói.
Ông Thủy cho biết, thời điểm, giá thấp cũng lãi được 20 nghìn đồng/con gà thương phẩm. Khi giá cao như 90 nghìn đồng/kg, vợ cho lãi 40 nghìn đồng/con. Nhẩm tính với việc nuôi 1,6 vạn gà Mía lai thương phẩm/năm, vợ chồng ông lãi từ 300-500 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi gà Mía lai vợ chồng ông Thủy có cuộc sống sung túc, ông xây được ngôi nhà tiền tỷ lộng lẫy chẳng khác nào biệt thự.
Chung sức gây thương hiệu
Chia sẻ về “bí quyết” làm giàu nuôi gà Mía lai, lão nông cười hiền cho hay, nuôi gà mía Lai đòi hỏi người nuôi phải chăm chỉ. Từ khi gà nhỏ đến lúc xuất bán chăm sóc công phu. Quy trình chăm sóc từ khâu vệ sinh chuồng trại đến phòng dịch bệnh, cho ăn, uống cần tỉ mỉ, sạch sẽ.
“Khi còn nhỏ gà Mía lai hay mổ nhau, vì thế khu chuồng tôi để thông thoáng chúng có thể tự do ra vào. Xung quanh chuồng trồng các vườn rau vừa làm thức ăn, vừa tạo bóng mát cho gà. Quá trình nuôi luôn tuân thủ qui định an toàn thực phẩm, không sử dụng chất kháng sinh, cám mua của nhà cung cấp uy tín, phòng bệnh đầy đủ, thường xuyên vệ sinh, phun khử trùng chuồng trại. Trước lúc xuất bán gần 2 tháng, cho gà ăn chuyên cám trộn ngô, thóc, rau xanh… Do đó, chất lượng thịt gà rất ngon, bán được giá cao”, ông chia sẻ.
Ở xã Cẩm Lĩnh không chỉ có gia đình ông Thủy thành công với mô hình nuôi gà thả vườn. Có nhiều nông dân khác giàu có nhờ nuôi gà thả vườn như anh Chu Văn Dị (thôn Tân Thành), anh Nguyễn Như Đông (thôn Phong Phú)…Tuy nhiên, hiện đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái thu mua mang đi tiêu thụ.
Nhận thấy cần xây dựng thương hiệu, chủ động khâu tiêu thụ sản phẩm hơn 50 hộ nuôi gà thả vườn ở Ba Vì đã tập hợp nhau xin phép các cấp chính quyền thành lập “Hội gà đồi Ba Vì”. Tham gia hội các thành viên cùng tương trợ lẫn nhau kỹ thuật chăn nuôi, cùng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại nhằm chủ động đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, Hội gà đồi Ba Vì đang áp dụng nuôi thí điểm theo qui trình của hội tại 5 hộ chăn nuôi. Trong đó, điển hình là gia đình ông Nguyễn Viết Thủy…