Theo Tân Hoa xã, ngày 6/1, Bộ Y tế Peru đã báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên của nước này do Flurona. Đó là một bệnh nhân 87 tuổi có bệnh nền nhưng chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo nhà nghiên cứu Cesar Munayco thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Peru, ca tử vong này là một trong 3 trường hợp mắc Flurona ở vùng Amazonas, phía Bắc Peru. Hai trường hợp còn lại bao gồm một trẻ vị thành niên và một người 40 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo ông Munayco, những người bị nhiễm bệnh đều có các triệu chứng như ho, đau họng và mệt mỏi. Do đó, ông Munayco kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 và cúm để giảm nguy cơ tử vong. Ông Munayco cảnh báo: “Điều quan trọng là phải tính đến tình hình hiện nay, dịch cúm H3N2 đang bùng phát ở một số địa phương của Peru”.
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe trước các loại virus. Ảnh: Getty Images
Trong khi đó, Mỹ cũng vừa phát hiện hai trường hợp đầu tiên nhiễm cả cúm và COVID-19 cùng lúc. Cả hai trường hợp đều là trẻ em. Trường hợp đầu tiên là một trẻ em tại bang Texas nhưng trường hợp này không phải nhập viện và đang hồi phục tại nhà. Ca thứ hai được phát hiện tại bang California và trường hợp này cũng không phải nhập viện điều trị mặc dù đã có các triệu chứng. Hiện vẫn chưa rõ một trong hai trường hợp này đã tiêm phòng cúm hay vaccine ngừa COVID-19 chưa, theo Daily Mail.
Các trường hợp nhiễm Flurona trên được ghi nhận chỉ vài ngày sau khi Israel mới đây thông báo về ca đầu tiên nhiễm cả cúm và COVID-19 trên thế giới. Bệnh nhân là một thai phụ ngoài 30 tuổi, chưa tiêm vaccine phòng cúm và Covid-19. CNN dẫn thông báo của Bệnh viện Beilinson ở thành phố Petah Tikva (Israel) cho biết, người này có các triệu chứng nhẹ và được xuất viện từ ngày 30/12/2021 trong tình trạng sức khỏe tốt. Ông Arnon Wiznitzer, Giám đốc bộ phận chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại Bệnh viện Beilinson lưu ý, số lượng sản phụ nhiễm cúm mùa trong cộng đồng tại Israel đang ngày càng tăng và chủ yếu xảy ra ở những phụ nữ chưa tiêm vaccine. Điều nguy hiểm là họ nhiễm cúm trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan nhanh nên họ rất dễ bị nhiễm Flurona.
Giám đốc Trường Y tế công cộng tại Đại học Ben-Gurion (Israel) Nadav Davidovitch nhận định, hiện nay cả virus cúm và virus gây COVID-19 đều hoạt động mạnh nên sẽ có thêm trường hợp nhiễm Flurona. Tuy nhiên, ông Davidovitch cho rằng những người không có bệnh nền, đã tiêm vaccine phòng cúm và COVID-19 sẽ không bị ảnh hưởng lớn nếu bị cả hai loại virus tấn công. Để hạn chế sự lây lan của bệnh cúm và COVID-19 trên toàn cầu, ông Davidovitch nhấn mạnh cần phải phòng ngừa. Theo đó, ông kêu gọi các nước vận động nhiều người dân tiêm chủng hơn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm và COVID-19 đều là bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau, chẳng hạn ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Cả hai đều lây lan qua các giọt bắn và trong không khí khi người nhiễm virus thở, nói, ho hay hắt hơi. WHO lưu ý, mọi người nên thực hiện những biện pháp giúp bảo vệ hiệu quả trước COVID-19 và bệnh cúm, bao gồm giãn cách xã hội, thường xuyên vệ sinh tay, bảo đảm không gian sống thông thoáng và cách ly nếu chẳng may mắc bệnh. Người dân cũng cần tiêm phòng cả vaccine phòng cúm và COVID-19 để tránh nguy cơ nhiễm bệnh nặng.