[links()]Những ngày qua thông tin Tập đoàn FLC sẽ chấm dứt hợp đồng và thanh lý căn hộ nếu khách hàng không chịu thanh toán đợt cuối tiền mua căn hộ tại dự án FLC Landmark Tower đang gây chấn động thị trường địa ốc với sự vào cuộc của các chuyên gia pháp lý.
Trao đổi với PLVN Online, luật sư Đàm Thị Hảo (Văn phòng Luật sư BMC) nêu quan điểm: nếu FLC cương quyết thực hiện tuyên bố của mình thì khách hàng sẽ gặp nhiều bất lợi vì vậy hai bên nên thương lượng sẽ tốt hơn là tranh chấp, kiện tụng.
Luật sư Hảo cũng phân tích thêm sở dĩ có nhiều tranh luận trái ngược về vụ việc này là bởi một số người đang nhầm lẫn giữa đơn phương chấm dứt hợp đồng và thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
“Pháp luật phân biệt hai trường hợp chấm dứt hợp đồng: Chấm dứt theo ý chí của một bên và chấm dứt theo sự thống nhất ý chí của hai bên. Bộ luật Dân sự tại Điều 426 quy định cho phép một bên được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần bên kia đồng ý nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về trường hợp được đơn phương chấm dứt đó.”, Luật sư Hảo nói.
Luật sư Đàm Thị Hảo cho rằng hai bên nên tính tới phương án thương lượng thay vì kiện tụng |
Luật sư có đồng ý với quan điểm của luật sư đã bình luận trên một số tờ báo rằng : FLC không thể làm như vậy nếu không được bên mua nhà đồng ý và mọi tranh chấp phải do tòa án giải quyết?
Trong các trường hợp được phép đơn phương chấm dứt thì bên chấm dứt hợp đồng chỉ cần gửi văn bản thông báo quyết định đơn phương của mình. Hợp đồng sẽ chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phụ thuộc liệu họ có đồng ý với việc chấm dứt đó hay là không.
Tuy nhiên nếu việc đơn phương này là không đúng căn cứ thì bên kia có thể kiện ra tòa yêu cầu tòa án ra quyết định về việc đúng hay không đúng căn cứ này. Khi đó, nếu tòa án cho rằng đơn phương là sai thì bên đã đơn phương phải bồi thường thiệt hại cho bên kia (nếu có) và tất nhiên hợp đồng sẽ không bị chấm dứt.
Theo luật sư khả năng FLC bán căn hộ sau khi chấm dứt hợp đồng sẽ như thế nào, tính pháp lý của người mua sau có được đảm bảo?
Nói về khả năng bán căn hộ sẽ như thế nào thì quả thực khó trả lời. Tôi cho rằng điều đó tùy thuộc vào thị trường, giá cả mà bên FLC đưa ra. Tôi cho rằng nếu các bên đã có thỏa thuận trong hợp đồng về quyền bán căn hộ sau khi FLC đơn phương chấm dứt vì bên mua chậm thanh toán thì FLC hoàn toàn có quyền làm việc đó. Pháp luật không có quy định nào cấm việc đó.
Như phân tích của luật sư thì nếu FLC cương quyết thực hiện tuyên bố của mình thì khách hàng sẽ gặp nhiều bất lợi, phải vậy không, thưa luật sư?
Theo quy định của pháp luật và thỏa thuận tại hợp đồng đã ký kết thì đúng là FLC có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên dưới góc độ thực tiễn tôi cho rằng FLC và khách hàng vẫn nên cùng nhau thương lượng.
FLC nên chấp nhận việc giãn thời gian thanh toán cho khách hàng trước khi chấm dứt hợp đồng. Thỏa thuận được luôn là giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí, tránh việc kiện tụng kéo dài, gây mệt mỏi cho cả hai bên.
Xin cảm ơn luật sư!
Sơn Minh ( Thực hiện)