Đây là dịp để giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế về tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế.
Ông Huỳnh Tiến Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, sẽ có hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia… tham dự Festival Huế 2018. Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện cho các vùng miền trên cả nước cùng với lực lượng văn nghệ sĩ của Thừa Thiên-Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế, đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam tại các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2018.
Tại Festival Huế 2018 sẽ diễn ra các lễ hội cung đình được tổ chức trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng, như: Lễ Tế Giao, Lễ Tế Xã tắc, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Điện Hòn Chén, tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế…
Ngoài ra, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế lần thứ X cũng chia sẻ, Festival Huế luôn giữ vững định hướng của tỉnh đề ra từ kỳ đầu tiên đến nay là giới thiệu được bản sắc và các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhưng cách thể hiện và cấu trúc chương trình, không gian diễn xướng thì mỗi kỳ mỗi mới.
Năm nay, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản” Festival Huế lần thứ X diễn ra từ ngày 27-4 đến ngày 2-5-2018 là sự kế thừa và khẳng định thành công của các kỳ festival trước đây. Festival Huế 2018 còn gắn kết với các sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa của tỉnh và quốc gia trong năm 2018, như kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân; 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại núi Bân; 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới; 15 năm âm nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Festival Huế 2018 được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Cố đô Huế có 5 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (quần thể di tích Cố đô Huế - 1993, Nhã nhạc Cung đình Huế - 2003, Mộc bản triều Nguyễn - 2010, Châu bản triều Nguyễn - 2014, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế - 2016). Mới đây, Thừa Thiên - Huế cùng 11 tỉnh thành khác là chủ sở hữu một di sản vừa mới được UNESCO công nhận là nghệ thuật Bài Chòi; hai di sản phi vật thể cấp quốc gia là ca Huế và Dệt Dèng (A-Lưới). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, đặc trưng để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế.