Facebook có thực sự vô can?
Điều đáng nói là CA không thu thập dữ liệu người dùng một cách “vô tư”. Công ty phân tích dữ liệu này từng phục vụ cho hơn 200 chiến dịch bầu cử, mà điển hình là chiến dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2016. Các thông tin mà CA thu thập bao gồm hồ sơ người dùng Facebook, kết quả kiểm tra tâm lý của họ, cũng như thông tin về bạn bè trên Facebook của người dùng đó.
Và cũng đáng nói không kém chính là thái độ im lặng đến khó hiểu của Facebook trước vụ việc. Phản ứng “mình chỉ là nạn nhân”, từ chối bình luận về vụ việc hoặc trả lời cho qua chuyện kiểu “Chúng tôi đã treo ứng dụng của CA và đang kiểm tra thông tin” khiến cho dư luận càng bức xúc hơn.
Trên thực tế, Facebook có thực sự vô can hay không?. Khi Facebook phát triển mạnh mẽ, nền tảng này đã trở nên thành thạo trong việc vận động chính sách và kiện tụng. Một năm trở lại đây, Facebook đã vướng vào vô số đợt liên quan đến vai trò của nó trong các cuộc khủng hoảng tin giả và thao túng chính trị.
Mark Zuckerberg sẽ phải “ra mặt”?
Theo các chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng của Facebook chắc chắn sẽ dẫn đến sự kiểm soát và quản lí chặt chẽ hơn từ các chính quyền. Nhà chức trách ở Mỹ, Anh và EU đang kêu gọi cá nhân Zuckerberg phải ra điều trần trước các ủy ban điều tra. Tuy nhiên, Facebook chỉ cử những nhà điều hành khác làm việc đó, và lời khai của họ được xem là tìm cách lẩn tránh.
“Tôi sẽ viết cho Mark Zuckerberg yêu cầu anh ta hoặc ai đó trong ban lãnh đạo Facebook phải ra mặt. Việc họ cử nhân chứng đến trả lời những câu hỏi khó bằng cách nói rằng tôi không biết là điều không thể chấp nhận được” – Washington Post dẫn lời ông Damian Collins, người đứng đầu của một Ủy ban nghị viện Anh - nơi đang tiến hành cuộc điều tra Facebook và CA.
Cơ quan quản lý Mỹ cũng tỏ rõ thái độ muốn nghe những lời giải trình từ chính Zuckerberg.
Facebook liệu có phải là Uber tiếp theo trong lĩnh vực mạng xã hội?
Năm 2017 là một năm khủng khoảng của Uber với hàng loạt các cáo buộc liên quan đến sự an toàn của hành khách, của chính nhân viên công ty và quyền lợi của các tài xế. Năm 2018, có vẻ doanh nghiệp chiếm giữ vị trí này sẽ là Facebook.
Còn nhớ, chiến dịch hashtag #deleteUber đã bắt đầu từ năm 2017 sau cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Theo New York Times, 500.000 tài khoản Uber đã bị xóa chỉ sau tuần đầu tiên chiến dịch phát động. Tương tự, chiến dịch kêu gọi đóng tài khoản Facebook #deleteFacebook cũng đang diễn ra. Ngay cả đồng sáng lập Whatsapp Brian Acton cũng đã viết trên tài khoản Twitter của mình: “Đã đến lúc rồi” kèm theo hashtag #deleteFacebook.
“Hiện thực 2018” đang gây ra cho Facebook nhiều khó khăn. Đây thực sự là lúc nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Mark Zuckerberg không thể trốn tránh trách nhiệm của mình được nữa.