Trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), bên cạnh những điều khoản đáng chú ý liên quan tới hợp tác đầu tư giữa 2 bên, bao gồm nhiều lĩnh vực như dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối… , một trong những cam kết đáng chú ý nhất chính là các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Cụ thể, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng TMCP của Việt Nam.
Tuy nhiên, nội dung cam kết này cũng nêu rõ sẽ không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm quyền chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank. Đồng thời, cam kết này cũng chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm. Sau 5 năm thì Việt Nam cũng sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết này.
Như vậy, nếu hiệp định này được Chính phủ Việt Nam phê chuẩn dự kiến vào tháng 5 tới đây, thì việc nhà đầu tư nước ngoài đã có thể nâng sở hữu đến 49%, thay vì phải chờ đến chính sách trong việc nới room, mà trước đây Ngân hàng nhà nước đã đề cập.
Tuy nhiên, theo Ts. Lê Trí Hiếu – cố vấn cao cấp trong lĩnh vực ngân hàng cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải gia tăng tốc độ hơn nữa trong việc hoàn thành thể chế, nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, cũng như các chính sách bảo hiểm tiền gửi cần phải đáp ứng tiêu chuẩn của EU.
"Có như vậy, doanh nghiệp mới tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại. Bởi EVFTA không chỉ là cái giấy thông hành, mà nếu bản thân mỗi doanh nghiệp Việt Nam không nỗ lực cải thiện các vấn đề thì đó còn là rào cản cho sự phát triển và hội nhập” - TS. Lê Trí Hiếu nêu.
Trước đó, quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ, thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện nay không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Bên cạnh đó, EVFTA cũng đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% (2020), tăng 42,7% (2025) và 44,37% (2030). Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn, khoảng 15,28% vào năm 2020, tăng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.