"Từ Tiber đến Mekong. Cơ hội cho Italy và Việt Nam. Điều gì sẽ thay đổi sau Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).”
Đây là chủ đề cuộc hội thảo do tạp chí Toàn cầu (Scenari Internazionali) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Turin, Phòng Thương mại Italy-Việt Nam tổ chức mới đây tại thành phố Perugia, miền trung Italy.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, hội thảo có sự tham dự của Phó Thị trưởng Perugia Michele Fioroni, đại diện Liên đoàn giới chủ công nghiệp vùng Umbria (với thành phố Perugia là thủ phủ của vùng), các doanh nghiệp Italy hiện đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam và một số phóng viên báo chí địa phương.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp Italy và Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực.
Các đại biểu nhận định EVFTA sẽ tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy đầu tư và tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Italy, nhất là trong những lĩnh vực mà Italy có thế mạnh.
Bên cạnh đó, hiệu ứng tích cực từ hiệp định cũng sẽ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước.
Phó Thị trưởng Michele Fioroni cho rằng quy mô, đặc điểm và vị trí chiến lược của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực đã và đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Italy.
Với những tác động tích cực của EVFTA trong tương lai và các lợi thế về sản xuất của Italy, các doanh nghiệp Italy đang đứng trước nhiều cơ hội để khai thác thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Italy cần phải đẩy nhanh tốc độ nắm bắt thị trường, xúc tiến đầu tư và quảng bá sản phẩm nhằm tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại.
Theo Tổng thư ký Phòng Thương mại Italy-Việt Nam Walter Cavrenghi, EVFTA được coi là hiệp định “cùng thắng” cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). So với các nước châu Âu khác, Italy được cho là nước đi sau trong đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Do vậy, các doanh nghiệp Italy cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, và nên chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam do hai nền kinh tế có khá nhiều điểm tương đồng.
Bà Alessandra Cursio, Phụ trách Quan hệ đối ngoại Phòng Thương mại Italy-Việt Nam cho rằng nếu được ký kết, EVFTA sẽ là Hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất và tham vọng nhất giữa EU với một nước đang phát triển.
Với việc xóa bỏ tới 99% hàng rào thuế quan, Italy sẽ được hưởng lợi khi xuất khẩu sang thị trường Việt Nam những mặt hàng như máy móc thiết bị, đồ da, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may và thực phẩm...
Về phần mình, Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh đã giới thiệu với các đại biểu về tình hình Việt Nam hiện nay, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí sản xuất thấp và đặc biệt là chính sách mở cửa, thu hút đầu tư cùng nhiều ưu đãi khác cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu nhất trí đánh giá EVFTA có ý nghĩa quan trọng đối với cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, đồng thời mong muốn Italy và các nước EU thúc đẩy việc sớm ký kết và thông qua hiệp định nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp của hai bên.