Thị trường đầu tiên
Có rất nhiều quốc gia và khu vực đã ban hành và triển khai các thị trường mua bán quyền phát thải khí nhà kính, trong đó có Mỹ, Trung Quốc… Song, hệ thống thương mại khí nhà kính Liên minh Châu Âu (EU-ETS) vẫn được coi là “tượng đài”.
Năm 2003, EU ban hành Nghị quyết về việc thiết lập Hệ thống mua bán hạn mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong lãnh thổ EU (chưa bao gồm hoạt động hàng không dân dụng). Trong đó, cơ chế giao dịch khí phát thải (ETS) đóng vai trò chủ đạo, được chính thức triển khai từ năm 2005. Mục tiêu ban đầu của cơ chế này nhằm giám sát các nhà cung cấp và các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn. Mua bán phát thải các-bon là một phần của mua bán phát thải nói chung.
Hệ thống này hoạt động trên nguyên tắc hạn mức và mua bán, cho phép người tham gia mua hoặc bán hạn ngạch khí thải để việc cắt giảm có thể đạt được với mức chi phí thấp. Trong loại hình mua bán này, mỗi quốc gia giới hạn một mức độ khí thải tối đa mà các cơ sở được cho phép “xả”. Những quốc gia nào có lượng khí thải xả ra nằm dưới mức cho phép sẽ có quyền bán “sức chứa” khí thải còn dư của mình cho những quốc gia phát thải vượt quá giới hạn cho phép.
Thị trường mua bán quyền xả thải nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường |
Điều này cũng áp dụng tương tự với các doanh nghiệp. Đây chính là nguyên nhân tại sao tổ chức được yêu cầu phải báo cáo về lượng khí thải hàng năm. Hạn ngạch khí thải được xem như là một dạng tiền tệ - một hạn ngạch được cấp cho người có quyền thải ra một tấn CO2 hoặc khí thải nhà kính khác.
Về cách thức hoạt động, hệ thống hoạt động thông qua việc EU đưa ra tổng mức phát thải cho từng giai đoạn cho tất cả các quốc gia trong khối tham gia và được thiết kế theo hướng giảm dần theo từng năm từ năm 2013, trung bình khoảng 1,74%/năm. Hàng năm, một lượng nhất định hạn mức phát thải được phân bổ miễn phí cho các bên tham gia, phần còn lại được đưa ra bán trên thị trường. Cuối mỗi năm, các bên tham gia nộp lại hạn mức phát thải cho phép mà các doanh nghiệp đã thải ra thị trường trong năm đó.
Chỉ trong năm đầu tiên vận hành hệ thống, ước tính có khoảng 321 triệu giấy phép hạn mức với giá trị giao dịnh lên tới 7,9 tỷ USD đã được trao đổi. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2011, có khoảng 7,9 tỷ giấy phép hạn mức với tổng trị giá giao dịch lên tới 147,9 tỷ USD. Do đó, hệ thống này là thị trường mua bán quyền phát thải khí nhà kính chính và lớn nhất trên thế giới, với sự tham gia của 31 quốc gia thành viên EU và khoảng 11.000 doanh nghiệp trên thế giới.
EU-EST đã góp phần lớn trong giảm thiểu tổng mức phát thải khí nhà kính. Cụ thể, gần một nửa tổng mức phát thải khí nhà kính của EU đã được giải quyết, tập trung nhiều trong các lĩnh vựa sản xuất điện và nhiệt, lọc dầu, sản xuất thép và gang, nhôm, kim loại, xi măng, vôi, giấy và bột giấy, bìa cứng, axit và các hóa chất hữu cơ…
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được trong giảm mức tổng phát thải khí nhà kính, EU-ETS cũng đang bộc lộ những hạn chế. Đơn cử, năm 2008, chương trình này mở rộng bao gồm các ngành công nghiệp khác có lượng khí thải cao, đơn cử ngành hàng không dân dụng. Cụ thể, các hãng hàng không có chuyến bay đi/đến và khai thác trong lãnh thổ Châu Âu sẽ phải “mua” khả năng xả thải từ các nước này nếu lượng khí các-bon thải ra từ hoạt động của tàu bay vượt quá hạn ngạch được cấp.
Châu Âu đạt nhiều thành tựu về môi trường từ khi áp dụng hệ thống ETS |
Khi quy định này được đưa ra, đã có khoảng 4000 hãng hàng không thuộc 62 quốc gia bị ảnh hưởng. Nếu vi phạm, EU sẽ hạt 100 EUR đối với mỗi tấn CO2 vượt hạn ngạch (mà chưa mua quyền phát thải) hoặc thu giữ tàu bay, cấm hạ, cất cánh từ sân bay châu Âu. Nhằm quản lý triệt để, mỗi hãng bay đều phải mở một tài khoản khí thải tại Châu Âu và hoàn thành trước tháng 4/2012.
Chính sách EU-ETS “vấp” phải sự phản đối mạnh mẽ đầu tiên từ các nước khi đưa ra những quy định nêu trên đối với ngành hàng không dân dụng quốc tế. Các nước phản đối (bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nhật, và cả Việt Nam) cho rằng EU-ETS đã không công bằng khi áp dụng tiêu chuẩn môi trường của EU đối với các nước khác, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tăng chi phí khi kinh tế đang khó khăn, cản trở nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung ứng phó tác động của biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam đã sẵn sàng chưa?
Tới nay, đã có 77 quốc gia, 10 khu vực và 100 thành phố trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc cam kết các mục tiêu then chốt giảm lượng khí thải các-bon về bằng 0 vào năm 2050, cam kết hành động vì khí hậu và phát triển bền vững. Theo đó, các ngân hàng được khuyến khích dịch chuyển vốn cho vay vào các dự án phát thải khí độc hại hiện nay sang các ngành công nghiệp xanh hơn.
Nhận thấy những tác động tiêu cực của khí thải nhà kính tới môi trường và sự phát triển bền vững của một quốc giá, Việt Nam đã tham gia Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường các-bon quốc tế từ năm 2012. Năm 2015, nước ta triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Sau 5 năm thực hiện, Việt Nam đang dần hướng tới hình thành và phát triển một thị trường mua bán phát thải các-bon trong nước.
Diễn biến tiếp theo, Việt Nam đang thực hiện chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon quốc tế”, được viện trợ không hoàn lại và ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam với tổng mức vốn của Dự án lên tới 3,6 triệu USD.
Theo đó, dự án cung cấp những giải pháp và thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), hình thành công cụ thị trường, thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon và xây dựng lộ trình tham gia thị trường các-bon trong nước và thế giới.
Việt Nam đã triển khai các phương án chuẩn bị xây dựng thị trường ETS |
Thách thức lớn nhất hiện nay chính là có rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến quản lý phát thải các-bon. Để vận hành hiệu quả thị trường các-bon trong nước, các doanh nghiệp, tổ chức và các bên liên quan cũng cần được nâng cao nhận thức về vấn đề giảm thải các-bon, tránh những hành vi đối phó, “lách luật”.
Theo đó, các công ty phải có trách nhiệm với các bên liên quan như chính phủ, nhà cung cấp, nhà đầu tư, tổ chức tài chính, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, người tiêu dùng và công chúng trong việc buộc phải tiến hành đánh giá, giảm thiểu và thực hiện công báo cáo khí thải.
Mặt khác, để Việt Nam có đủ khả năng tham gia thị trường tín chỉ các-bon thế giới, việc lựa chọn công cụ định giá các-bon phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước cũng là yếu tố rất quan trọng. Theo đó, việc định giá các-bon chính xác đòi hỏi một cơ sở dữ liệu đầy đủ, minh bạch và chính xác về phát thải khí nhà kính trong sản xuất và kinh doanh.
Như vậy, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: Liệu Việt Nam đã sẵn sàng hay chưa?