Theo báo cáo của Trung tâm LLTP quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận 147.231 thông tin, đã xử lý 91.098 thông tin; đã cập nhật và tích hợp vào phần mềm 122.488 thông tin (gồm 40.955 LLTP điện tử, 66.507 thông tin LLTP bổ sung điện tử, 2.468 thông tin LLTP bổ sung giấy, 66 thông tin LLTP bổ sung điện tử có giấy, tạo lập được 12.492 dữ liệu điện tử trên cơ sở giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá); lập và đưa vào lưu trữ 769 hồ sơ LLTP bằng giấy.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã cung cấp 18.905 thông tin cho các Sở Tư pháp, đồng thời tiến hành 1 đợt rà soát thông tin với 63 Sở Tư pháp và 125 Trại giam, Trại tạm giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cục Cảnh sát quản lý trại giam cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, Tòa án Quân sự Trung ương với tổng số 112.569 thông tin. Trung tâm cũng tổng hợp danh sách thông tin miễn chấp hành hình phạt và miễn chấp hành hình phạt còn lại do các Trại giam, Trại tạm giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cung cấp…
Về cấp Phiếu LLTP, Phó Giám đốc Trung tâm Đỗ Thúy Lan cho biết Trung tâm cấp được 4.356 Phiếu LLTP gồm cả Phiếu số 1 và số 2. Trong đó, có 4.020 trường hợp gửi hồ sơ yêu cầu và nhận Phiếu qua dịch vụ bưu chính, 336 trường hợp gửi hồ sơ yêu cầu và nhận Phiếu trực tiếp. 100% Phiếu này được cấp sớm và đúng thời hạn luật định. Trung tâm còn phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an và Phòng Hồ sơ Công an cấp tỉnh tra cứu, xác minh 137.907 trường hợp cho các Sở Tư pháp cấp Phiếu. Hầu hết kết quả được Trung tâm trả sớm và trước thời hạn luật định, qua đây giải quyết được tình trạng chậm cấp Phiếu tại các Sở Tư pháp trên toàn quốc.
Báo cáo thêm về rà soát các đối tượng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 để thực hiện miễn chấp hành hình phạt tiền, xóa án tích cho người bị kết án, Giám đốc Trung tâm Hoàng Quốc Hùng chia sẻ, Trung tâm đã có công văn hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương rất nhiều trong việc xác minh đối tượng có phạm tội mới hay không. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên vẫn có những trường hợp không có hồ sơ. Vì thế, phát sinh một số trường hợp chậm trả kết quả và cùng một số nguyên nhân khác thì tỷ lệ chậm trả kết quả trên cả nước chỉ khoảng 3-4%. Nhưng ông Hùng cam kết, tới đây sẽ phấn đấu giảm xuống còn 1% tỷ lệ cấp Phiếu chậm tại các Sở Tư pháp và tiếp tục duy trì mục tiêu cấp Phiếu đúng hạn 100% tại Trung tâm.
Ông Hùng chia sẻ, số lượng yêu cầu và giải quyết tăng đột biến, trong khi nhân lực phải tinh giản thì giải pháp hàng đầu là tăng cường công nghệ thông tin (phần mềm Kiềng ba chân được chỉnh sửa, nâng cấp để bảo đảm triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp số 02). Theo ông Hùng, nhận thức của một số lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh chưa đầy đủ, chưa đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, từ đó dẫn đến tình trạng đến nay còn 13 Công an tỉnh chưa thực hiện Quy chế 02, thậm chí 2 Công an tỉnh đã thực hiện Quy chế 02 song lại tạm dừng từ đầu tháng 5/2019.
Vui mừng trước những kết quả đạt được, ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Trung tâm trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc quan niệm, công tác LLTP đụng chạm rất nhiều đến người dân, nói đúng hơn thì phục vụ người dân là chính nên dễ ghi điểm và cũng dễ mất điểm. Trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng mong muốn lãnh đạo Trung tâm tiếp tục quan tâm động viên, khích lệ cán bộ làm việc, cống hiến, đảm bảo thực hiện mục tiêu đã đề ra ở trên.
Cơ bản tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp mà Trung tâm nêu lên, Thứ trưởng đề nghị việc tập huấn cho cán bộ làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp phải chú trọng vào chuyên môn lẫn kỹ năng để họ làm tốt công việc của mình. Riêng Nghị quyết 41, Trung tâm cần phối hợp cùng các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trình Lãnh đạo Bộ.