Đệ nhất danh ca sở hữu nhan sắc và giọng hát "Nghìn năm có một"
Đặng Lệ Quân sinh năm 1953, trong một gia đình đông con thuộc vùng quê thuộc huyện Vân Lâm, Đài Loan (Trung Quốc). Trong tiếng Hoa, “Lệ Quân” mang ý nghĩa là hình dáng xinh đẹp của cây tre, đồng thời chỉ sự bất khuất của người quân tử. Sau này cô cũng lấy đó làm nghệ danh cho mình.
Với nhan sắc đậm chất Á Đông cùng giọng hát được người đời ca tụng "bảy phần ngọt ngào, ba phần nước mắt", Đặng Lệ Quân có mặt trên nhạc đàn Đài Loan từ khi còn rất trẻ. Năm 10 tuổi, cô đã sớm bén duyên nghệ thuật khi giành giải quán quân một cuộc thi tài năng. Những năm sau đó, Lệ Quân học thanh nhạc và tham gia biểu diễn tại các phòng trà, vũ trường.
“Nhạc đàn Đài Loan giai đoạn loạn ly nổi lên giọng hát Đặng Lê Quân. Tên tuổi cô nhanh chóng tỏa sáng như vì tinh tú rực rỡ nhất trên bầu trời nghệ thuật Hoa ngữ. Ánh hào quang của cô chiếu rọi khắp năm châu bốn hướng, làm lu mờ cả các ngôi sao khác”, tờ Nhật báo Đài Loan nhận xét.
Đặng Lệ Quân bẩm sinh sở hữu giọng hát ngọt ngào, âm sắc trong như pha lê, thanh mát như dòng suối. Khi cất giọng, dù là ở thể loại dân ca hay trữ tình, cô đều đưa đến người nghe những rung cảm đồng điệu về mặt cảm xúc.
Với các ca khúc trữ tình sâu lắng như Mùa thu lá bay, Ánh trăng nói hộ lòng tôi, Điềm mật mật, Em chỉ yêu mình anh..., tên tuổi cô tỏa sáng trong thập niên 1970. Đặc biệt, ca khúc “Ánh trăng nói hộ lòng tôi”, nằm trong album mang tên Đảo quốc chi tình phát hành năm 1977 giúp Đặng Lệ Quân nổi tiếng với danh xưng “Đệ nhất danh ca châu Á”. Một điều có thể khẳng định không người Trung Hoa nào không biết đến “Ánh trăng nói hộ lòng tôi”.
Điều đặc biệt, danh ca họ Đặng không phải là người thể hiện ca khúc đầu tiên song lại là ca sĩ thành công nhất nhờ tác phẩm. Bản thân ca khúc với ca từ đơn giản, giai điệu da diết, như bức thư tình đã được Đặng Lệ Quân bằng giọng hát của mình truyền tải trọn ven. Màn thể hiện thành công đến mức giới chuyên môn ví cô “như mang cả mặt trăng vào ca khúc”. Sau này, hàng trăm ca sĩ Hoa ngữ thể hiện lại ca khúc nhưng chưa ai vượt qua được Đặng Lệ Quân.
Không chỉ là một tượng đài về giọng hát, nét đẹp của Đặng Lệ Quân còn đươc xem là chuẩn mực chung cho nhan sắc phụ nữ Á Đông. Cô sở hữu gương mặt khả ái tròn đầy tựa khuôn trăng và đường nét dịu dàng, đằm thắm cùng mái tóc đen tuyền ngang vai. Trong 2 thập kỷ 1970-1980, Lệ Quân trở thành hình mẫu theo đuổi của không ít người phụ nữ.
Đặng Lệ Quân có danh tiếng hàng đầu tại thị trường Hoa ngữ. Cô còn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở: Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Indonesia..., đặc biệt là Việt Nam.
Trong giai đoạn thập niên 1970, thời điểm mà khán giả trong nước vẫn còn đang đắm chìm với dòng nhạc Bolero bên cạnh sự du nhập của các thể loại nhạc Âu Mỹ thì sự xuất hiện của Đặng Lệ Quân trên thị trường nhạc Việt với tư cách một người nghệ sĩ châu Á là điều xưa nay hiếm trong lịch sử âm nhạc.
Giữa năm 1973, Lệ Quân tới Sài Gòn và được hàng ngàn người hâm mộ chào đón. Cô đã biểu diễn tại rạp Lệ Thanh trong suốt 1 tháng. Tại đây, danh ca đã trình diễn lại các ca khúc làm nên tên tuổi của mình cùng với một ca khúc nhạc Việt lời Nhật mang tên “Anh” - nhạc phẩm được soạn lời dựa trên ca khúc Không nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Đối với khán giả, giọng hát của Đặng Lệ Quân dù ở giai đoạn xuân sắc hay đã tứ tuần vẫn không khác biệt là mấy. Với họ, cô đã trở thành nghệ sĩ của thời đại, vượt qua ngưỡng cửa thời gian để hiện hữu như một giọng ca sống mãi cùng năm tháng. Giọng hát của nữ danh ca như chuyên chở một thời kỳ lịch sử, với những biến cố thâm trầm, hay nói đúng hơn là góp phần xoa dịu người dân giữa thời loạn ly.
Năm 1986, tạp chí Time của Hoa Kỳ xếp cô vào top 10 ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới và top 7 ca sĩ của năm, là người châu Á duy nhất được hai lần trao thưởng. Cùng với Trương Quốc Vinh, cô trở thành một trong 20 ca sĩ nổi tiếng nhất trong vòng 50 năm qua theo bình chọn của kênh CNN, Mỹ.
Bị Thành Long phụ tình và cái chết đầy uẩn khúc
Nếu trong âm nhạc, Đặng Lệ Quân được tôn xưng như "Bà hoàng" thì trong tình yêu, cô luôn là người phải nhận lấy nhiều cay đắng. Danh ca đã trải qua vài mối tình trong suốt cuộc đời nhưng đến cuối cùng vẫn một mình cô đơn lẻ bóng.
Từ năm 18 tuổi, Lệ Quân bắt đầu hẹn hò với doanh nhân Lâm Chấn Phát nhưng chia tay sau 2 năm. Những người đàn ông đi qua đời cô có thể kể đến như: danh ca Mori Shinichi người Nhật, Tần Tường Lam, đại gia Quách Khổng Thừa..., song tất cả đều có chung kết cuộc đổ vỡ.
Mối tình đình đám nhất của Lệ Quân là với Thành Long. Cả hai được ca tụng là cặp đôi “Kim Đồng, Ngọc Nữ” của làng giải trí vì sự tương xứng ở ngoại hình lẫn danh tiếng. Dù vậy, sự khác biệt về tính cách khiến cả 2 dần mâu thuẫn.
Trong khi Đặng Lệ Quân thuộc hình mẫu phụ nữ hướng về gia đình, Thành Long lại nổi tiếng với tính tình phóng khoáng, ngày đêm ra ngoài vui chơi cùng bạn bè. Mối quan hệ cặp đôi sau đó cũng không thành khi Thành Long lại trót đem lòng yêu người vợ hiện tại Lâm Phụng Kiều.
Sau này, khi nhắc về người tình cũ danh ca quá cố, ngôi sao võ thuật Thành Long có những chia sẻ khiến ai cũng tiếc nuối: “Giờ tôi đã nhận ra sai lầm, Đặng Lệ Quân là một viên ngọc thực sự mà đáng lẽ ra tôi phải yêu thương”.
Năm 37 tuổi cũng là lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao, Đặng Lệ Quân tuyên bố tạm rời làng giải trí để sang Pháp định cư. Tại đây, cô đã gặp và yêu một nhiếp ảnh gia người Pháp kém mình 10 tuổi.
Những tưởng hạnh phúc đã gõ cửa thì tiếc thay, Đặng Lệ Quân qua đời sau đó không lâu. Trong chuyến du lịch với người tình ngoại quốc ở Thái Lan, cô bất ngờ lên cơn hen suyễn. Nhanh chóng được đưa đến bệnh viện nhưng Đặng Lệ Quân không qua khỏi. Suốt những giây phút cuối đời, cô ra đi mà không có bất cứ người thân nào bên cạnh.
Cái chết của Đặng Lệ Quân đến nay vẫn gây bàn tán với không ít người. Theo tờ Shangdu, lúc Lệ Quân phát bệnh qua đời, bạn trai người Pháp không quan tâm tới cô. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, trên mặt ca sĩ có dấu hằn của bàn tay, điều đó dấy lên nghi ngờ danh ca bị hành hung trước khi mất. Một số ý kiến còn cho rằng cô bị sát hại vì vài mâu thuẫn chính trị.
Đặng Lệ Quân và bạn trai ngoại quốc - cũng là người tình cuối cùng của đời cô. |
Sự ra đi đột ngột của Đặng Lệ Quân để lại niềm tiếc thương lớn trong lòng khán giả. Lễ tang của cô được tổ chức theo nghi thức cấp nhà nước cùng sự tham dự của hàng ngàn người hâm mộ, giới truyền thông lẫn các chính khách cấp cao. Người đứng đầu chính quyền Đài Loan khi đó là Lý Đăng Huy cũng có mặt.
Hình ảnh đám tang của Đặng Lệ Quân. |
Đặng Lệ Quân được chôn cất tại ngôi mộ ở sườn núi Kim Bảo Sơn, phía nam Đài Bắc. Ngôi mộ có tượng của Đặng Lệ Quân và một cây đàn piano điện tử đặt dưới đất để người hâm mộ tưởng nhớ đi qua có thể vang lên âm thanh du dương như một sự tưởng niệm với nữ danh ca "Tài hoa bạc mệnh".
Đã hơn 20 năm kể từ ngày mất đi, tên tuổi Đặng Lệ Quân vẫn còn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ công chúng yêu nhạc. Giọng hát của cô cùng những bản tình ca bất hủ vẫn đều đặn vang lên khắp mọi nơi như một minh chứng về sự bất tử của giọng hát với thời gian.
Suốt những năm tháng huy hoàng của sự nghiệp cho đến khi mất đi, danh hiệu "Đệ nhất danh ca Châu Á" của Đặng Lệ Quân vẫn còn đó, chưa một ai dám chạm vào. Bởi lẽ, những gì Đăng Lệ Quân làm được dường như là điều không tưởng đối với nhiều thế hệ ca sĩ.