Sau một tháng triển khai lệnh cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố, trật tự và cảnh quan đô thị Hà Nội phần nào được lập lại và cải thiện đáng kể khi đường đã thông thoáng, vỉa hè được trả lại cho người đi bộ. Tuy nhiên, việc loay hoay tìm chỗ gửi xe trong khi các dự án bãi đỗ xe vẫn còn đang “ngóng chờ” khiến không ít người dân tỏ ra lo lắng...
Xử lý vi phạm về đỗ xe bịt lối người đi bộ. |
Cảnh quan đô thị mới
Sau một tháng Thủ đô Hà Nội thực hiện lệnh cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố, tại nhiều tuyến phố, tuyến đường như Hàng Gai, Điện Biên Phủ…đều có biển hướng dẫn ghi rõ việc quy định không được trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp trên vỉa hè, lòng đường. Quy định này được áp dụng khá quy củ khi vỉa hè đã được trả lại cho người đi bộ khiến người dân rất phấn khởi.
Tại các tuyến phố khác, như Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Chu Văn An…, vỉa hè cũng đã không còn tình trạng để xe máy, xe đạp lộn xộn. Các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố này đều đã chủ động bố trí các điểm trông giữ xe không để ảnh hưởng đến vỉa hè.
Các điểm trông giữ xe vốn gây bức xúc trong nhân dân thời gian qua như trước cổng Bệnh viện Mắt TW, đối diện Vincom… đã được giải tỏa trả lại vỉa hè cho người đi bộ, tạo lòng tin cho nhân dân. Hơn ai hết, bộ mặt mới của nhiều tuyến đường, tuyến phố không chỉ khiến người dân mà ngay cả khách du lịch nước ngoài đến Thủ đô đi bộ cũng khá thoải mái đi lại. Điều này gián tiếp tạo điều kiện cho sự cố gắng, nỗ lực tạo bộ mặt mới đô thị Thủ đô trước con mắt khách nước ngoài
Bác Trịnh Xuân Đông (cán bộ hưu trí tại phố Cao Bá Quát) cho rằng, những người về hưu như các bác có chỗ đi bộ tập thể dục hàng ngày thuận tiện hơn, không còn lo lắng và phải chen chúc với các bãi gửi xe mới có thể đi lại hồi trước. “Thoải mái hơn trong việc đi lại, chỉ mong là chủ trương được chấp hành triệt để thì người dân chúng tôi được nhờ”, bác Đông nói.
Vi phạm vẫn tràn lan
Vào chiều 19/3 vừa qua, đại diện hai ngành Công an và Giao thông vận tải cung cấp, sau một tháng thực hiện lệnh cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố, các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa là các khu vực có nhiều trường hợp vi phạm hơn cả. Điều này cũng là một thực tế cho thấy, các quận này trước đây từng tồn tại nhiều điểm trông, giữ xe nay không còn, trong khi mật độ phương tiện lớn nên người dân khá chật vật tìm chỗ đỗ, gửi mới.
Phố Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng (thuộc quận Hoàn Kiếm) trở thành nơi đỗ xe với mật độ lớn vì có nhiều công sở, văn phòng và cả người dân có nhu cầu tham quan Hồ Hoàn Kiếm. Tại hai tuyến đường, phố này đang tồn tại một vài điểm trông giữ xe và đều trưng biển…được sự cho phép của Sở GTVT Hà Nội. Có sự “bảo đảm” này, các chủ phương tiện đã đổ xô đến đây gửi xe.
Trước vỉa hè Cung Thiếu nhi Hà Nội các hàng xe được xếp thành dãy dài trên vỉa hè. Ngay dưới lòng đường là hàng loạt các xe ô tô. Tình cảnh này tương tự gặp ở phố Đinh Tiên Hoàng vốn trước đây đã là điểm trông giữ xe dịch vụ và nay được cấp phép.
Tại nhiều tuyến phố Trần Khát Chân, Đoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Khang, Tràng Tiền, Hòa Mã… mặc dù là những phố cấm đỗ xe hoặc quy định không được đỗ quá 15 phút nhưng tình trạng đỗ xe hàng tiếng đồng hồ hay nói cách khác là vi phạm lệnh đỗ xe vẫn thường xuyên diễn ra mà không hề có lực lượng chức năng xử lý. Điều đáng nói ở chỗ, mặc dù có biển cấm, lái xe biết quy định việc dừng đỗ không được phép nhưng nếu không có lực lượng giám sát thì việc đỗ vẫn cứ đỗ, việc cấm thì cứ cấm.
Trao đổi với nhiều người dân tại đây mới hay, việc ra quy định cấm dừng đỗ họ đều biết nhưng xem ra việc thực hiện tại chính các tuyến phố cấm vẫn còn chưa nghiêm. Điều này dẫn đến một tâm lý của người dân bức xúc cho rằng, nếu đã là quy định chung của Thủ đô Hà Nội nhằm tạo một cảnh quan mới về đô thị thông thoáng hơn thì nơi thực hiện nghiêm, nơi chấp hành có tính chất hình thức và có nơi buông lỏng quản lý là điều bất hợp lý và cần phải xem lại. Thậm chí không ít trường hợp cho rằng, nên điều chỉnh cho hợp lý và phải tính toán tới mật độ giao thông tại các khu vực cấm dừng đỗ.
Trông ngóng dự án bãi đỗ xe
UBND TP.Hà Nội hiện nay đã giao một số đơn vị quận, huyện khẩn trương bố trí, phê duyệt các bãi đỗ xe hiện đại, trong đó, giao cho Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội xây dựng thí điểm hai dự án dàn thép đỗ xe tại 2 điểm trên phố Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan. Các dự án này đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt trong tháng 4/2012. Dự kiến, hai bãi đỗ xe này sẽ được đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 9/2012.
Theo ông Phạm Văn Đức (Trưởng Ban quản lý dự án, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội), Công ty này đã đề xuất UBND TP.Hà Nội cho xây dựng thêm dự án dàn thép đỗ xe cao tầng tại góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông (diện tích 3.000m2, sức chứa được 400 xe) và điểm đỗ xe Dốc Ngọc Hà (diện tích 1.560m2 với sức chứa 150 xe) nằm trong quy hoạch mạng lưới các bến điểm đỗ xe công cộng đã được TP.Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên, hai đề xuất này của Công ty mới được duyệt một vì điểm đỗ xe ở dốc Ngọc Hà chưa được chấp thuận, lý do vì ảnh hưởng đến cảnh quan của công viên Bách Thảo.
Như vậy có thể thấy rằng, trong khi các bãi đỗ xe đang nằm trong dự án và quy hoạch…chờ phê duyệt tính khả thi thì người dân vẫn còn nỗi lo thường trực hàng sáng khi đi làm là đỗ xe ở đâu? Hoặc tìm chỗ nào gửi xe “có bảo đảm” để không rơi vào tình trạng bị xử lý vì vi phạm. Trong khi đó, hiện diện tích các điểm, bãi đỗ xe công cộng được cấp phép tại Hà Nội mới đáp ứng 8-10% nhu cầu đỗ xe của phương tiện hiện có. Còn lại 90% số phương tiện có nhu cầu đang phải đỗ tại khu chung cư, khu đô thị, công sở, lòng đường, vỉa hè, sân trường, các khu đất trống của dự án...
Như vậy, một tháng sau lệnh cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố ở Hà Nội dường như vẫn cần hơn những biện pháp hợp lý cả trước mắt lẫn lâu dài.
Để giải quyết tình trạng thiếu bãi đỗ xe hiện nay tại Thủ đô, ông Nguyễn Văn Khôi (Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) đã chỉ đạo ngành giao thông phối hợp với các quận rà soát, sắp xếp các bãi đỗ xe đảm bảo không ùn tắc giao thông, không ảnh hưởng đến người dân, để thực hiện từ 20/3. Các bãi đỗ này phải nằm ngoài 262 tuyến phố đã cấm trông giữ xe. |
Uyên Lê