Thoát hiểm nhờ dám… vay vốn đầu tư
Ông Trần Ngọc Quang, TGĐ Viglacera thời kỳ 1987-1995 cho biết: “Đúng là chúng tôi đã có những ngày cơ cực, không lối thoát” khi nhà máy giếng đáy thì lò sụt máy hỏng, Bỉm Sơn thì lò nát, máy cũng nát, lò Tiêu Giao cũng chuẩn bị dỡ, thiết bị hầu hết đều lạc hậu, cũ hỏng, chẳng thể làm nổi việc gì… Để tồn tại, có lúc Sứ Thanh Trì trở lại với nghề mai, kéo và đóng gạch thủ công, còn Gốm Bỉm Sơn thì quay ra đan thảm cói…
Các lãnh đạo Tcty đều mong muốn “thoát xác”. Biết rằng muốn đầu tư thì phải có tiền, nhưng thời điểm ấy chẳng ai dám cho một doanh nghiệp yếu kém vay. “Nhiều lần, anh Lộc (cựu Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc - PV) phải “bật đèn xanh” để Thứ trưởng ký bảo lãnh cho tôi chỉ vì sắp đến ngày Viglacera… khởi công xây dựng nhà máy mới”, ông Quang nhớ lại.
Giai đoạn 1987-1990, trong số tất cả các doanh nghiệp của Bộ, nói đến chuyện vay đầu tư chắc chỉ có Viglacera dám làm. Và đó cũng là lối thoát hiểm mà sau này, các anh em lãnh đạo cùng thời mỗi lần gặp nhau lại ôn lại kỷ niệm của một thời kỳ “thoát hiểm một cách ngoạn mục” này.
Ông Trần Đình Thể, nguyên CT HĐQT lại có cách lý giải khác cho thành công của Viglacera hiện nay. Theo ông, nghề làm gạch (hay sản xuất vật liệu nói chung) vốn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, vất vả nhưng tấm lòng của người công nhân đối với nhau rất tình nghĩa, luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau.
Trong tập thể có kỷ cương trên dưới, từ đó tạo nên một sức mạnh to lớn vượt lên tất cả. Theo ông Thế, sự đoàn kết như tài sản vô hình quý giá không lượng hóa được, quyết định sự thành bại của Tcty cũng như mỗi đơn vị thành viên.
Rồi ông kể lại, khi ông còn làm Giám đốc Nhà máy gạch Xuân Hòa, có một anh công nhân mà cả cuộc đời chỉ có đôi quang sắt gánh gạch ra lò rất vất vả. Khi anh sắp qua đời, ông đến thăm anh lần cuối, giữa lúc sinh ly tử biệt đau buồn nhất mà anh ấy vẫn nói về công việc:
“Anh Thể ơi, chào anh nhé. Anh cố gắng lãnh đạo anh em hoàn thành kế hoạch nhé!” Tấm lòng của anh công nhân ấy làm ông Thể trân trọng vô cùng. Viglacera đã có những bước tiến dài chính từ sự đoàn kết làm nên sức mạnh ấy.
Những sản phẩm đón đầu xu hướng Xanh của Viglacera. |
Những bước chuyển mình…
Năm 1984, Viglacera ghi nhận những sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm hợp lý hóa sản xuất, như: Dùng than nhóm lò đứng thay củi; xếp cầu rãnh trong lò đứng để lửa bén nhanh và đều; đổ hốc thay than bánh để giảm chi phí lao động đóng than, sấy gạch mộc bằng lò dã chiến trong những ngày mưa phùn.
Từ những cải tiến này đưa đến một lối thoát hiểm đã được nhận diện rõ ràng “đó là lấy yếu tố khoa học làm “kim chỉ nam” cho cuộc tự vận động, đổi mới để đi lên”. Cũng nhờ những nguyên tắc này mà trong suốt chặng đường tiếp theo, họ đã từng bước tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, trở thành một doanh nghiệp nhà nước mạnh hàng đầu về vật liệu xây dựng (VLXD) nhờ nền tảng công nghệ tiên tiến.
Rồi đầu năm 1990, Viglacera đã có quyết định hết sức táo bạo, đó là quyết định vay vốn ngắn hạn để đầu tư. Sau này cựu TGĐ Trần Ngọc Quang và cựu TGĐ Đinh Quang Huy của Viglacera đều cho biết: “Rào cản tín dụng khi ấy quá lớn nhưng nếu không mạnh dạn “vượt rào”, không chấp nhận trả lãi vay 25%-30%/năm, nghĩa là không có vốn đầu tư thì diện mạo và năng lực của Tcty sẽ không bao giờ thay đổi được”.
Những cú “vượt rào” ngoạn mục ấy đã đưa Viglacera vượt qua vòng xoáy nghèo nàn lạc hậu, tiến tới làm chủ sở hữu những nhà máy công nghệ hiện đại, sản xuất ra những sản phẩm làm đẹp, làm giàu đất nước. Tâm điểm đáng chú ý nhất là năm 2001, khi Viglacera tiếp cận và đầu tư thành công dây chuyền sản xuất gạch Cotto. Trên toàn thế giới lúc ấy, tính cả Viglacera mới chỉ có 3 nhà máy làm chủ công nghệ tiên tiến này. Một bước chuyển mình thật sự đáng nể ở Viglacera.
Nhưng khi Viglacera đã có trong tay tất cả những sản phẩm VLXD họ từng mơ ước chinh phục như kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát cao cấp các loại… thì một rào cản khác lại xuất hiện. Đó là vấn đề tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay ở mức không an toàn sau một quá trình dài vay để tăng tốc đầu tư. Việc tài sản hình thành chủ yếu nhờ vốn vay khiến số tiền lãi suất phải trả đã tăng gấp 2 lần so với những năm đầu mới chuyển sang hoạt động theo mô hình Tcty.
Nỗi lo vừa xuất hiện, kế sách thực hiện đã được vạch ra. Đó là phải mạnh dạn chuyển đổi một số tài sản của Tcty để tạo ra các dòng tiền mới, giữ ổn định nền tảng sản xuất VLXD và thúc đẩy đầu tư kinh doanh BĐS. Từ đó tăng tài sản lên gấp hàng chục lần sau 14 năm hoạt động, với các khu đô thị mang một biểu trưng rất dễ nhận biết như Thăng Long Number 1, KĐT Đặng Xá…
Cả một chặng đường khó khăn, gian khổ nhất đã đi qua. Ngày nay, Viglacera luôn là đơn vị tiên phong sản xuất những loại VLXD đáp ứng yêu cầu “xanh” của thị trường, luôn là đơn vị định hướng tiêu dùng trong lĩnh vực VLXD. Và 3 lần liên tiếp được lựa chọn nằm trong danh sách Vietnam Value chính là tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của các thế hệ Viglacera.
Khi mô hình Tcty nhà nước có Hội đồng quản trị (HĐQT) thì anh em luôn dè dặt đặt vấn đề “Ai “to” hơn ai?” để biết đường nghe theo lệnh của lãnh đạo “to” hơn nếu nhỡ các chỉ đạo ấy không giống nhau.
Có lẽ ông Thế hiểu được tâm tư của anh em nên luôn xác nhận “quan hệ giữa Chủ tịch HĐQT và TGĐ được xây dựng trên nguyên tắc đoàn kết, tôn trọng, thẳng thắn đấu tranh, góp ý minh bạch, công khai. Tất cả cùng chung một mục tiêu đưa Viglacera trở thành một doanh nghiệp mạnh”.