Đường dây đánh bạc trả 'lương' tháng ngàn đô mỗi game thủ tại Hà Nội

Đối tượng Huấn (bên trái)
Đối tượng Huấn (bên trái)
(PLVN) - Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa triệt phá đường dây đánh bạc online do Phí Văn Huấn (39 tuổi) cầm đầu sử dụng các hoạt động trò chơi điện tử như đế chế (AOE), thể thao (bóng đá, bóng rổ) để cá cược qua trang web Powgs...

Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện ổ nhóm điều hành hoạt động có tổ chức, sử dụng công nghệ cao để vận hành. Máy chủ đường dây này đặt ở nước ngoài nhưng thu hút hàng trăm nghìn tài khoản của người chơi trong nước.

Kết quả điều tra xác định Huấn thành lập Công ty Cổ phần Egold Việt Nam nhưng không hoạt động kinh doanh mà để che giấu hành vi đánh bạc online qua trang web Powgs...

Tại Hà Nội, Huấn mở 4 địa điểm tại các quận Cầu Giấy và Đống Đa, thuê 16 kỹ thuật viên và nhân viên quản lý, nhân viên mua bán tiền ảo là đồng Gold để vận hành đường dây. Huấn cũng trực tiếp tổ chức, giám sát 13 đại lý cấp 1 và 2 đại lý cấp 2. Các đại lý có chức năng quy đổi, mua bán tiền Việt sang tiền ảo để sử dụng khi đặt cược trên web.

Người chơi bỏ ra 100.000 đồng sẽ mua được 121.000 Gold. Khi người chơi thắng muốn bán lại tiền ảo để lấy tiền thật, các đại lý mua vào 123.000 Gold với giá 100.000 đồng.

Tài liệu điều tra cho thấy web Powgs... có chức năng đặt cược thông qua trò chơi đế chế, bao gồm các game show "quân tuyển - không tuyển"; đào vàng... Trong trò chơi AOE, 16 đội quân được chia ra 2 đội, mỗi bên 8 đội.

Còn trò chơi bóng đá có "trận cầu vàng" hay "siêu sao bóng đá" là các trận đấu giả lập theo hình thức thi đấu World Cup. Người chơi sẽ đặt cược cho đội nhà hoặc đội khách dưới hình thức tài - xỉu.

Người chơi muốn tham gia thì phải tạo tài khoản trên trang web Powgs... rồi mua tiền ảo ở các đại lý do Huấn lập ra để nạp tiền vào tài khoản.

Mỗi ngày, Huấn chỉ đạo nhân viên mở nhiều khung giờ cho "con bạc" vào cá cược. Mỗi khung giờ có nhiều lượt chơi, mỗi lượt 3-5 phút. Khi kỹ thuật viên mở trang cá cược, người chơi vào bàn và bắt đầu đặt cược.

Nếu thắng, người chơi được nhận gấp đôi tiền ảo Gold đã bỏ ra để đặt cược nhưng phải trích 1-1,5% số tiền thắng cược cho hệ thống.

Để vận hành đường dây, Huấn vận dụng mối quan hệ trong làng công nghệ để tìm cho mình một số trợ thủ giỏi tin học và đáng tin cậy. Một trong số này là Ngọc Anh, là người lập trình xây dựng nên hệ thống trang web đánh bạc qua hình thức cá cược, quản trị và sửa chữa khi hệ thống này có lỗi.

Quá trình xác minh lai lịch, cảnh sát làm rõ Trần Ngọc Anh từng là học sinh giỏi quốc gia. Lên đại học, Ngọc Anh dự thi Olympic Tin học quốc gia và giành giải cao.

Năm 2009, Ngọc Anh tốt nghiệp đại học và được Huấn “tuyển mộ”. 10 năm sau, Ngọc Anh giúp Huấn lập trình ra trang web đánh bạc online và kết nối với máy chủ đặt ở nước ngoài.

Quá trình làm việc, Huấn còn giao cho Ngọc Anh liên kết, “chiêu mộ” thêm một số kỹ sư tin học khác để tham gia vận hành hệ thống tổ chức đánh bạc. Để vận hành hệ thống cá cược online, Huấn còn thuê gần 50 game thủ từ các hội, nhóm và trả lương khoảng 3.000 USD mỗi tháng cho từng người. Sau khi mở các cổng cá cược, số game thủ này có nhiệm vụ "cày game" nhiều giờ liên tục để cho người chơi đăng nhập hệ thống trang web Powgs... và đặt cược cho các trận đấu.

Nhằm quản lý đội game thủ này, Huấn phân công Lê Thanh Tùng làm "kế toán" để chấm công và trả lương cho họ. Tùng cũng đảm nhận trách nhiệm sao lưu toàn bộ dữ liệu của người chơi bạc để phục vụ việc khiếu nại nếu có.

Quá trình điều tra, Công an quận Cầu Giấy đã sao lưu dữ liệu điện tử liên quan và phát hiện khoảng 356.000 tài khoản đã đăng ký để đánh bạc. Kết quả xác định từ tháng 7 đến tháng 9/2019, đường dây này đã giao dịch tổng số tiền gần 1.160 tỷ tiền Gold, tương đương khoảng 960 tỷ đồng. Huấn và đồng phạm thu lời bất chính trên 4,7 tỷ đồng.

Về vai trò, cơ quan điều tra xác định Huấn cầm đầu, chủ mưu chỉ đạo hệ thống trang web Powgs... Huấn cũng là người trả lương cho 16 nhân viên và đưa ra kế hoạch vận hành đường dây.

Trần Ngọc Anh là người lập trình xây dựng hệ thống trang web đánh bạc. Ngọc Anh cùng Nguyễn Văn Phong sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị phục vụ đánh bạc. Khám xét nơi ở của các bị can, 4 địa điểm liên quan hoạt động tổ chức đánh bạc và trụ sở các đại lý, cơ quan công an thu giữ ôtô Land Cruiser, 80 smartphone, 12 sổ tiết kiệm mang tên Huấn với tổng số tiền gần 70 tỷ đồng, thẻ ATM có hơn 5 tỷ, khoảng 800 triệu tiền mặt...

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố Phí Văn Huấn cùng 55 bị can về các tội Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc, tiếp tục mở rộng vụ án.

Để thu hút người chơi tham gia đánh bạc, Ngọc Anh lập trình hệ thống trang web Powgs..., quy định người chơi chỉ được đăng ký tài khoản bằng gmail và qua số điện thoại cá nhân.

Khi mua bán tiền ảo hoặc giao dịch tiền, người chơi sử dụng tài khoản ngân hàng và phải là tài khoản chính chủ. Nhờ đó, hệ thống này hạn chế được các tài khoản ảo.

Cảnh sát còn xác định khi hệ thống khởi chạy các trận đấu game đế chế để cho "con bạc" đặt cược, Ngọc Anh là người ghi hình và phát trực tiếp lên Facebook (livestream) thu hút hàng triệu lượt xem. Đây cũng là cách nhóm tổ chức đánh bạc kiếm hàng chục nghìn USD mỗi tháng thông qua mạng xã hội.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.