Đầu năm 2021, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị chức năng Công an tỉnh Hải Dương phát hiện một số đối tượng nghi vấn tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đưa về địa bàn tỉnh rồi đưa vào TP HCM.
Một trong những khó khăn của các trinh sát là việc xác định các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép hiện đang ở đâu, làm gì để làm căn cứ xử lý các đối tượng tổ chức, đồng thời nhanh chóng xác định, truy bắt kịp thời đồng phạm.
Ngày 24/3, Phòng An ninh điều tra (ANĐT) phối hợp các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra nhà nghỉ 372 (thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ), phát hiện Phạm Thị Hà (SN 1986, ngụ Kim Đới, Chí Minh, Tứ Kỳ) đi ô tô BKS 34A-448.21 cùng Nguyễn Xuân Thắng (SN 1991, ngụ Nghĩa Dũng, Đại Sơn, Tứ Kỳ) đi ô tô BKS 34A-359.66 chở 6 người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép; dự kiến trưa 24/3 đưa vào TP Hồ Chí Minh.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 25/3, Cơ quan ANĐT đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can với Hà và Thắng. Căn cứ lời khai, các điều tra viên xác định đây là một đường dây đã hoạt động thực hiện nhiều chuyến với nhiều đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nên đã báo cáo, đề xuất Ban Giám đốc tiến hành đấu tranh, mở rộng điều tra.
Từ định hướng như trên, Phòng ANĐT thành lập các tổ công tác, một tổ tiếp tục đấu tranh, khai thác đối tượng Hà, Thắng và nhóm người Trung Quốc; một tổ tính toán biện pháp bắt giữ các đồng phạm.
Đối tượng Hà sau khi được cảm hóa, giáo dục đã đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra (CQĐT), bắt giữ đối tượng cầm đầu là Sầm Văn Định (SN 1997, ngụ thôn Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).
Căn nhà của Định nằm ở giáp biên giới, chỉ cần chút động tĩnh là đối tượng lập tức bỏ trốn. Định cực kỳ cảnh giác, nếu không phải là các đối tượng trong đường dây thì anh ta sẽ không “xuất đầu, lộ diện”.
Kế hoạch đánh án vì thế phải tính toán cẩn thận đến từng chi tiết, lựa chọn thời điểm phá án là lúc đêm tối, địa điểm là nơi trước đó các đối tượng thường xuyên giao, nhận người... Khi Định gặp Hà, lập tức bị công an bắt giữ.
Từ lời khai của Định, mở rộng đấu tranh, CQĐT tiếp tục bắt Trương Văn Tiên (SN 2000, ngụ thôn Kéo Sỹ) và Sầm Văn Cường (SN 2001, ngụ huyện Hà Quảng), khi các đối tượng đang lẩn trốn ở Bắc Ninh. Đối tượng Hoàng Thị Thoa (SN 1993, ngụ xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị bắt khi lẩn trốn ở khu vực Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội.
CQĐT làm rõ ngoài vụ đưa người nhập cảnh trái phép ngày 24/3, Hà và đồng phạm đã tổ chức đón 7 chuyến, với 21 người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép qua cột mốc 718 thuộc thôn Kéo Sỹ, Tổng Cọt, Hà Quảng, Cao Bằng vào các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Dương để đưa đi TP HCM.
Từ đây, hành vi của các đối tượng đã bước đầu được làm rõ. Hà quen biết Thoa từ nhóm “Hội phiên dịch tiếng Trung” trên ứng dụng Wechat. Ngày 20/2, qua chuyện trò trên Wechat và muốn có tiền, Hà được Thoa trao đổi, thống nhất tối 24/2 đón người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Thoa cho Hà tài khoản Wechat của “Trang Chủng” (người Trung Quốc) để liên hệ đón người với giá 36 triệu VND/chuyến/3 người.
Tối 24/2, Định đón 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, thu 2.500 NDT/người rồi dẫn họ đi bộ xuống núi cho em trai Định là Cường và Tiên là hàng xóm của Định. Định, Cường, Tiên đưa những người này đến khu vực đèo Bông Lau, thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, liên hệ với Hà ra đón.
Hà và Thắng đi cùng nhau đến Lạng Sơn, sau đó Hà thuê taxi để đi qua các chốt kiểm dịch của Lạng Sơn đến đèo Bông Lau gặp Định đón người, rồi cùng Thắng đưa nhóm người này đến khu vực Vincom Thảo Điền (Thủ Đức, TP HCM) cho họ xuống xe. Xong việc, Thoa chuyển cho Hà 36 triệu VND đồng theo thỏa thuận ban đầu. Sau chuyến này, Hà đã cắt cầu Thoa để liên lạc trực tiếp với “Trang Chủng”...
Trong vụ án này, Hà đã nhận được tổng cộng 246 triệu đồng, trừ chi phí Hà và Thắng hưởng lợi mỗi người 93 triệu đồng. Định thu tổng cộng 236 triệu đồng, trực tiếp hưởng lợi 114,25 triệu đồng, chia cho Cường 90 triệu đồng, chia cho Tiên 32 triệu đồng.
CQĐT đã hoàn tất hồ sơ, chuyển VKSND Hải Dương đề nghị truy tố các bị can Hà, Định, Thắng, Cường, Tiên, Thoa… về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”.
Trước đó, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã khám phá thành công một đường dây đưa người vượt biên trái phép khác. Vụ án xuất phát từ việc phát hiện một trường hợp dương tính với COVID-19.
Từ sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh về việc truy vết, công an phát hiện có dấu hiệu nguồn lây từ Lào và việc xuất nhập cảnh của Đào Duy Tùng (SN 1989, ở TP Hải Dương) là trái phép. Qua đấu tranh khai thác, xác định Đào Anh Tuấn (SN 1979, anh họ của Tùng) là đối tượng tổ chức cho Tùng trốn sang Lào và từ Lào nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Tuấn là đối tượng có 2 tiền án về hành vi cướp và trộm cắp tài sản, từng trốn truy nã, hiện đã xuất cảnh trái phép sang Lào, việc truy bắt gặp rất nhiều khó khăn. Từ thông tin Công an tỉnh Hải Dương cung cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, đối tượng Tuấn đã bị bắt giữ và được phía Lào bàn giao vào ngày 25/5.
Kết quả điều tra xác định, trong thời gian thụ lý án về tội “Trộm cắp tài sản” từ 2012 đến tháng 8/2020, Tuấn đã tìm hiểu qua các bạn tù đường đi sang Lào để làm ăn. Ngay sau khi ra tù, Tuấn liên hệ và được các đối tượng đưa sang Lào và từ Lào trốn về Việt Nam 3 lần.
Ngày 20/4, khi Tùng nhờ, Tuấn liên hệ đường dây này đưa Tùng trốn về Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Ngày 22/4, khi về đến Việt Nam, Tùng không thực hiện cách ly mà bắt xe khách về Hải Phòng ở cùng bạn gái (SN 2000, trú tỉnh Hải Dương) tại nhà nghỉ Tường Vi 2, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng cho đến khi bị phát hiện dương tính với COVID-19.